30/06/2014 - 19:54

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT - CÔNG NGHỆ CẦN THƠ

Còn nhiều khó khăn!

Là trường đại học công lập đầu tiên trực thuộc thành phố, hơn năm qua, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (Trường ĐHKT-CN CT) luôn nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức, nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Thế nhưng, cuộc họp sơ kết 1 năm thành lập trường vừa qua cho thấy, hoạt động quản lý, đào tạo khó trăm bề, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ UBND thành phố cũng như các cấp, các ngành chức năng.

* Rào cản về cơ sở vật chất

 Giờ học của sinh viên Trường ĐHKT-CN Cần Thơ.

Trường ĐHKT-CN CT thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, vào cuối tháng 1-2013. Hiện nay, trường có 169 cán bộ, giảng viên; trong đó, có 131 giảng viên chính thức (1 PGS, 9 tiến sĩ, 86 thạc sĩ, 17 nghiên cứu sinh). Trường hiện có 2 cơ sở : cơ sở 1 (256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều), với 40 phòng học, 3 hội trường, thư viện và các phòng thí nghiệm… đảm bảo phục vụ hơn 4.800 sinh viên; cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) diện tích trên 17 ha. Năm học 2013-2014, trường tuyển sinh khóa đầu tiên, với 297 sinh viên ở 4 ngành (hệ thống thông tin, công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, kỹ thuật hệ thống công nghiệp, công nghệ thực phẩm). Dự kiến, năm học 2014-2015, trường sẽ mở thêm 3 ngành học mới, với chỉ tiêu tuyển là 600 sinh viên.

Dù đạt kết quả nhất định nhưng trường còn gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐHKT-CN CT, cho biết: “Trường cố gắng bổ sung nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức (tuyển dụng bổ sung, tiếp nhận cán bộ trình độ chuyên môn cao có nhu cầu chuyển công tác và ứng viên tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ - 150…). Tuy nhiên, trường thiếu cán bộ đầu đàn một số lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp việc mở ngành đào tạo”. Trong giai đoạn tới, để phục vụ công tác mở ngành, nâng cao chất lượng đào tạo, trường cần phát triển đội ngũ giảng viên, trong khi địa phương chưa có cơ chế tài chính hợp lý, ít nhiều gây khó khăn cho trường trong thu hút nguồn nhân lực cũng như khó “giữ chân” đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao.

Nguồn lực con người đã khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập của trường còn khó khăn, thiếu thốn hơn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Lúc mới nâng cấp thành Trường ĐHKT-CN CT, trường “nợ” từ nguồn lực cán bộ đến cơ sở vật chất. Theo quy định, diện tích trường ĐH ít nhất 5 ha nhưng cơ sở 1 của trường chưa đáp ứng. Mới đây, khi thẩm định mã ngành đào tạo, trường còn thiếu trang thiết bị thực hành, thực tập, phải nhờ sự hỗ trợ của Trường ĐH Cần Thơ. Vì thế, trường đang cần đầu tư nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo”. Thực tế cho thấy, thành phố rất cần nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên cam kết với Đoàn thẩm định Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị mọi điều kiện, đảm bảo trường hoạt động trơn tru. Trường khẩn trương thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐHKT-CN CT (cơ sở 2). Theo kế hoạch giai đoạn 1 (từ năm 2012 đến năm 2014, tổng kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở 2 ước tính trên 198 tỉ đồng) để giải tỏa đền bù đất, xây dựng khu học tập, phòng làm việc, các khoa, ký túc xá, phòng thí nghiệm thực hành. Lãnh đạo Trường ĐHKT-CN CT, cho rằng: “Hiện nay, trường phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy đo đạc, cắm mốc và họp dân. Người dân đồng tình ủng hộ và ký cam kết giao đất cho trường (38 hộ bị ảnh hưởng được bồi thường hơn 21 tỉ đồng). Theo kế hoạch, tháng 9-2012, UBND quận Bình Thủy thu hồi đất và cuối tháng 12-2012, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng đến nay, dự án chưa được triển khai vì thiếu vốn.

Theo cam kết của UBND TP Cần Thơ, trong 5 năm đầu thành lập Trường ĐHKT-CN CT, bình quân có 1.500-1.700 sinh viên/năm, kinh phí hoạt động dự kiến 21 tỉ đồng/năm. Thế nhưng, do rào cản thiếu thốn cơ sở vật chất, kinh phí nên 2 hai năm đầu thành lập trường, quy mô chỉ tăng từ 300 đến 600 sinh viên/năm.

* Để trường phát triển bền vững

Tại cuộc họp sơ kết 1 năm thành lập Trường ĐHKT-CN CT, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên của trường là vì điều kiện kinh phí thành phố hạn hẹp; trong khi kinh phí đầu tư cho cơ sở 2 của trường từ nguồn vốn BT (đầu tư xây dựng - chuyển giao giữa nhà nước và nhà đầu tư). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đầu tư không sử dụng từ nguồn vốn BT và thay đổi chủ đầu tư nên việc triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở 2 phải chậm lại. Tiến sĩ Dương Thái Công kiến nghị: “Bên cạnh hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, UBND thành phố xác định nguồn vốn và chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở 2 của trường. Đồng thời có kế hoạch phân kỳ đầu tư phát triển cụ thể; trước mắt ưu tiên bố trí nguồn vốn trong 6 tháng cuối năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ bồi hoàn, giải phóng mặt bằng cơ sở 2; cấp kinh phí khoảng 18 tỉ đồng để mua sắm thiết bị thực hành phục vụ các ngành học ở cơ sở 1…”. Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, nói: “Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở 2, trường cần có công văn đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi nguồn kinh phí đầu tư từ nguồn BT sang nguồn ngân sách nhà nước. Đối với dự án có kinh phí lớn phải nêu rõ phân kỳ đầu tư để trình HĐND TP Cần Thơ. Còn đối với đầu tư trang thiết bị thực hành cơ sở 1, trường phải có đề án cụ thể (kinh phí, con người), cân đối phù hợp nguồn kinh phí và khả năng tuyển sinh”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm, sự ra đời của Trường ĐHKT-CN CT có ý nghĩa đối với thành phố, góp phần cung cấp nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là một trong những công trình đầu tư trọng điểm của thành phố, cần xúc tiến nhanh. Lãnh đạo trường phải sớm có văn bản đề nghị bổ sung kinh phí mua sắm thiết bị thực hành phục vụ các ngành học cơ sở 1; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan cũng như các đơn vị phải tích cực hỗ trợ trường thực hiện các quy trình, thủ tục, như: chuyển đổi chủ đầu tư, kinh phí xây dựng; phân kỳ các giai đoạn đầu tư… sớm trình HĐND, UBND thành phố, tháo gỡ khó khăn, giúp trường hoạt động và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết