Qua 2 tuần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa của nông dân, hiện giá lúa, gạo tại các tỉnh, thành ĐBSCL đã tăng trở lại khoảng 200 đồng/kg so với trước. Tuy nhiên, do doanh nghiệp (DN) có những khó khăn riêng nên cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ thu mua lúa, gạo...
ÁP LỰC THU MUA LÚA
Ngày 21-8 vừa qua, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã có buổi làm việc với các DN xuất khẩu gạo. Sở Công Thương đã báo cáo tình hình thu mua lúa, gạo của các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các DN đã thu mua khoảng 800.000 tấn (gồm: 609.127 tấn gạo nguyên liệu và 16.569 tấn lúa). Riêng từ đầu tháng 7-2008 đến nay, các DN thu mua được 114.600 tấn (gồm: 79.867 tấn gạo nguyên liệu và gần 11.000 tấn lúa). Hiện nay, các DN thu mua bình quân khoảng 4.000 tấn lúa/ngày. Giá lúa gần đây cũng đã nhích lên. Hiện lúa thường đang có giá 4.500-4.700 đồng/kg, lúa đạt chuẩn xuất khẩu: 5.000-5.200 đồng/kg.
Sở Công Thương nhận định: Theo số liệu của Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, sản lượng lúa vụ hè thu vừa qua trên địa bàn thành phố ước đạt 434.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa khoảng 288.700 tấn. Trong khi các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn đã thu mua khoảng 120.000 tấn, các DN nhỏ và doanh nghiệp ngoài địa bàn thành phố mua khoảng 50.000 tấn. Như vậy, sản lượng lúa hàng hóa đang tồn đọng trong dân còn khoảng 118.700 tấn.
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, số lượng lúa tồn đọng trong dân có thể nhiều hơn con số thống kê này, bởi số liệu mà Sở Công Thương có được là từ các DN xuất khẩu gạo cung cấp. Nhưng DN lại không mua lúa trực tiếp của nông dân mà thông qua thương lái. Còn thương lái không chỉ mua lúa tại thành phố, mà còn mua ở các tỉnh khác đem về bán cho DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ. Vì vậy, ngành chức năng phải có phương án để nắm lại số lượng lúa tồn đọng trong dân cho chính xác, để từ đó có định hướng thu mua cho nông dân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đề nghị: Ở TP Cần Thơ, lúa tồn đọng trong dân số lượng còn không lớn lắm. Nhưng từ nay đến cuối tháng 9-2008, nông dân thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3) nên sẽ có thêm vài trăm ngàn tấn lúa cần phải tiêu thụ. Giá thành sản xuất lúa thu đông khoảng 4.000 đồng/kg. Vì vậy, khi các DN thu mua lúa cũng phải cân đối giá cả để đảm bảo cho nông dân có lời...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Cần Thơ về việc đẩy mạnh thu mua lúa của nông dân, trong 2 tuần qua, nhiều DN xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố đã tích cực thu mua lúa, gạo dự trữ. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam), cho biết: “Sau khi Tổng công ty chỉ đạo cho công ty đẩy mạnh thu mua lúa, gạo của nông dân, từ ngày 8-8-2008 đến nay chúng tôi đã thu mua được 8.000 tấn gạo, 300 tấn lúa; nâng tổng số gạo nguyên liệu mà công ty đã thu mua được khoảng 16.000 tấn tính từ đầu tháng 7-2008 đến nay. Ngoài 3 điểm thu mua có từ trước (ở Trà Nóc, Cái Răng và Thốt Nốt) công ty còn mở thêm 2 điểm thu mua (ở Cờ Đỏ và Cái Răng). Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ thu mua thêm 30.000 tấn gạo ở khu vực TP Cần Thơ và 20.000 tấn khu vực tỉnh Hậu Giang”.
 |
Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Ảnh: ANH KHOA |
Theo ông Lê Minh Trượng, Công ty Lương thực Sông Hậu là DN Nhà nước nên phải có trách nhiệm đẩy mạnh mua lúa, gạo của nông dân. Nhưng chỉ có công ty thì không thể mua hết lúa của nông dân tại địa bàn. Vì vậy, các DN tư nhân cũng phải đẩy mạnh thu mua lúa, gạo giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu gạo trên địa bàn thực hiện thu mua lúa, gạo của nông dân với tiến độ còn chậm. Nguyên nhân do chất lượng lúa gạo vụ hè thu không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu nên DN hạn chế mua, nhiều nông dân đang có tâm lý chờ giá tăng chưa bán, vốn vay ngân hàng lãi suất cao... DN phải tính toán hiệu quả. Để đẩy mạnh thu mua lúa của nông dân Công ty Lương thực Sông Hậu phải vay 150 tỉ đồng của ngân hàng với lãi suất 18-18,5%/năm. Với mức lãi suất này nếu mua lúa trữ lại trong vòng 1 tháng, chi phí sẽ đội lên thêm khoảng 150-200 đồng/kg...
VỐN VAY CÒN HẠN CHẾ
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 22 ngân hàng thương mại cho DN xuất khẩu gạo vay vốn đẩy mạnh thu mua lúa, gạo của nông dân cũng như phục vụ xuất khẩu. Theo đó, trong tháng 6-2008, các ngân hàng đã cho các DN vay với số tiền 486 tỉ đồng; trong tháng 7-2008: 636 tỉ đồng; 19 ngày đầu của tháng 8-2008: 396 tỉ đồng. Với số tiền cho vay này, đã góp phần tích cực vào việc giúp DN đẩy mạnh thu mua lúa, gạo của nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty MeKong: DN đẩy mạnh mua lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn như: vốn để thu mua dự trữ, điện cho sản xuất, thị trường tiêu thụ... Chính phủ đã chỉ đạo cho các ngân hàng “bơm” vốn cho DN, nhưng nếu DN còn nợ ngân hàng thì cũng khó vay thêm vốn mới. Thời điểm này, DN đang gặp khó trong xuất khẩu gạo do giá gạo thế giới giảm. Trong khi DN phải giữ gạo rất khó bảo quản so với lúa nông dân bảo quản. Trong tình hình này, nên để cho nông dân bảo quản lúa và thực hiện bán theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng xem xét cho nông dân vay vốn tái sản xuất trong thời gian chờ bán lúa.
Còn ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Hiệp Thanh - chuyên chế biến cá tra xuất khẩu và lúa gạo, cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng cho các DN xuất khẩu gạo vay lãi suất ưu đãi, nhưng đến nay Hiệp Thanh chưa được vay từ chương trình này. Thời gian qua, công ty phải dùng uy tín của mình để vay ngân hàng, nhưng trong năm nay các ngân hàng cũng cho vay với định mức giảm. Vì vậy, công ty cũng gặp khó khăn về vốn để đẩy mạnh thu mua lúa, gạo của nông dân...”.
Tại buổi làm việc với các DN xuất khẩu gạo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: Các sở, ngành hữu quan, các DN trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa, gạo. Các ngành chức năng cần nắm chặt tình hình sản xuất, thu hoạch lúa trên địa bàn, báo cáo chính xác số lượng tồn đọng để giúp thành phố trong chỉ đạo điều hành. Ngân hàng Nhà nước theo dõi, chỉ đạo hoặc đề xuất, xin chủ trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với việc cho vay thu mua, sản xuất lúa của các DN, người dân trên địa bàn thành phố...
NÔNG DÂN CÒN CHỜ BÁN LÚA
Ông Võ Văn Thuận (ở ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), cho biết: “Ở đây gần các DN, nhà máy thu mua gạo chế biến xuất khẩu và bán gạo chợ nên khi thu hoạch lúa xong bà con thường đem lúa bán trực tiếp cho các DN và nhà máy, chứ không phải chờ thương lái đến thu mua. Thời gian qua, nghe các thông tin về Nhà nước giúp nông dân tiêu thụ lúa tôi rất mừng, nhưng đến nay 5 tấn lúa mà tôi đã thu hoạch từ hồi tháng 5 hiện vẫn chưa bán được, do các nhà máy không mua hoặc chỉ mua cầm chừng”. Còn theo anh Phan Chí Thành (ở ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ), vụ hè thu rồi gia đình anh làm 4 công lúa được sản lượng tổng cộng khoảng 2,5 tấn nhưng đến nay vẫn chưa bán được. Cách đây 3 ngày, thương lái đến khu vực này mua lúa với giá 4.600 đồng/kg, nhưng chỉ mua 4-5 ghe rồi không mua nữa.
Bà Phan Thị Múa (ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Cờ Đỏ), cho biết: “Mấy tuần trước hay tin Nhà nước chỉ đạo về việc tiêu thụ hết lúa, gạo cho nông dân tôi rất mừng. Từ hôm đó đến nay, ngày nào tôi cũng xem tình hình có gì mới không. Mấy bữa nay, nghe nói giá lúa ở nhiều nơi trong thành phố đã tăng trở lại, lên ở mức 4.500 đồng/kg. Nhưng hiện ở khu vực tôi ở vẫn chưa thấy thương lái mua và hầu như chưa ai bán được lúa. Vụ vừa rồi tôi làm 31 công ruộng, đạt năng suất từ 35-40 giạ/công (1.300m2). Lúc mới thu hoạch thấy lúa trúng và đang có giá trên 5.000 đồng/kg nên gia đình tôi rất mừng. Nhưng kẹt là lúc đó lúa chưa phơi khô nên không bán kịp, sau đó giá lúa giảm, thương lái cũng vắng bóng, nên đến giờ tôi vẫn chưa bán được giạ lúa nào”.
Vấn đề mà nhiều nhà nông đang lo lắng vì nếu lúa để lâu, bảo quản không tốt trong những tháng mưa này rất dễ bị đổi màu gạo và giảm chất lượng. Phần lớn nông dân đang thiếu kinh nghiệm và kho bãi để cất giữ lúa, do trước đây khi thu hoạch lúa nông dân thường bán lúa ngay cho thương lái và DN. Hiện nay, nông dân cất giữ lúa bằng cách cho vô bao, chất lại thành đống trong nhà, rồi dùng vải bạt, cao su đậy lại. Mặt khác, khi lúa vụ 3 chuẩn bị thu hoạch nhiều nông dân cũng lo ngại sẽ bị thiếu chỗ và phương tiện để trữ lúa.
VĂN CÔNG - ANH KHOA