05/01/2010 - 10:11

"Cõi xưa" hồn hậu

Tập truyện ngắn “Cõi xưa” (NXB Văn Nghệ, tháng 12-2009) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết như đưa người đọc trở về quá khứ: thời mà nước sông rạch Cần Thơ còn trong veo, nhà cổ phố phường hiền hòa nép mình giữa những hàng cây xanh, những làng nghề truyền thống đã hóa “lạ lùng” trong đời sống hiện đại... Tập sách gợi cho người đọc cảm xúc của một thuở ấu thơ.

Sách được viết bởi một cô giáo - nhà văn đã sống cả cuộc đời tại Tây Đô, thông thạo địa danh, huyền sử và những con người mang khí chất đặc trưng của mảnh đất này. Chất liệu đó được thể hiện bằng bút pháp giản dị, mạch lạc, tự nhiên, chân thành, giàu hình ảnh và giàu cảm xúc, khiến mỗi trang viết như vẽ ra trước mắt người đọc những khung cảnh sống động và cả những nỗi niềm dường như chỉ còn trong ký ức của người Cần Thơ xưa. Mỗi khung cảnh ấy đều được điểm xuyến, tái hiện quanh một nhân vật, luôn khiến độc giả cảm thấy rất gần gũi vì đó chỉ là những người dân lao động bình thường.

Người đọc sẽ vừa hạnh phúc vừa bùi ngùi cùng bà Mười Mót, nghệ nhân dệt chiếu cao niên cuối cùng của “Xóm Chiếu ngày xưa” ở rạch Cái Răng. Sáng nào bà cũng băng qua cây cầu mới xây nối khu vực Đình Nước Vận với các tuyến đường xung quanh, chỉ để tủm tỉm cười vì “Ở cái vùng sông rạch chằng chịt, mỗi bước đi ra là xuống ghe xuống xuồng, chân đi không bén đất này, việc đi thẳng qua bên kia sông trên một cây cầu thênh thang há chẳng phải là một giấc mơ sao” (trang 44). Nhưng bà Mười Mót không khỏi ngậm ngùi vì sự đổi thay đó làm mai một nghề dệt chiếu truyền thống, bởi thời nay không còn ai dệt chiếu thủ công như bà, mà dùng máy dệt, hay xài chiếu ni-lông nhập từ Trung Quốc.

Câu chuyện của bà Ba Thời khiến người đọc xót xa. Dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn ráng giữ nghề đan giỏ lùn trong ngôi nhà mà con cháu đang sùng sục đòi bán đi bởi cầu Cần Thơ đi ngang nhà khiến giá tăng vọt. Truyện “Người đan giỏ lùn cuối cùng” kết thúc cùng với cái chết do tuổi cao của bà Ba Thời, để lại chiếc giỏ “có hai quai mảnh nhẹ bỗng, có những cái mắc nhỏ xíu, tròn xoe như từng con mắt mở ra” (trang 36) dở dang, có lẽ sẽ không có người tiếp nối.

Còn rất nhiều nhân vật khác trong “Cõi xưa” với nhiều mảnh đời đầy xúc động, như bà Ba Tiệm bán tạp hóa có tấm lòng nghĩa hiệp ở một xóm lao động nghèo, vợ chồng Hai Côn ở xóm ve chai với nỗi lo nuôi dạy thế hệ sau ăn học đàng hoàng, nỗi buồn của người phụ nữ rời bỏ mảnh đất quê nhà lên thành phố mở quán cà phê kiếm sống qua ngày để rồi bàng hoàng nhận ra đứa con trai của mình đã học hư tự khi nào. Gắn liền với mỗi nhân vật là những địa danh Cần Thơ xưa như dãy phố 18 căn, Ngã ba Cầu Xéo... Ẩn trong trang sách vẫn thấp thoáng nỗi lo lắng của một người hoài cổ trước việc đô thị của “thủ phủ miền Tây”, mải mê phát triển về kinh tế, nhưng dường như đánh mất bản sắc riêng trong đời sống tinh thần, khiến tâm tánh con người thay đổi.

“Cõi xưa” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết còn có những trang viết đầy kỷ niệm về tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, tình đồng nghiệp trong các truyện ngắn “Người xưa”, “Tiếng chim trên nền nhà cũ”, “Học trò già”, “Tình hoa kiểng”, “Bông hồng muộn”... Tất cả mở ra cho người đọc một thế giới tình cảm trong trẻo, vô tư, không vụ lợi mà dường như nhiều người đã quên mất trong cuộc sống hiện đại. Khép sách lại, người đọc hoàn toàn đồng cảm với lời bộc bạch của nhà văn: “Phải chăng đến một lúc nào đó, mắt ta mờ dần, tai ta lãng đãng, ngọn lửa trong tim ta chỉ còn hiu hắt, ta lại muốn sẻ chia với mọi người “miền nhớ” trong ta. Bởi sẻ chia là hạnh phúc, là được sống lại một lần nữa những kỷ niệm ngọt ngào”.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết