Truyện ngắn: Nhật Hồng
Chú Hai đi chợ về mua một ký lô lưới ba phân rưỡi, loại lưới giăng cá trên đồng. Thím Hai thấy chồng đi mua lưới thì hổng bằng lòng, nói: “Cá mắm đâu mà ông mua lưới! Đã mấy năm rồi không có nước tràn đồng. Mua chi cho tốn kém”. Chú Hai trả lời cho êm xuôi nhà cửa: “Mỗi năm mỗi khác, bà xấp nhỏ ơi!”. Rồi chú Hai cặm cụi bắt giềng lưới, thím Hai tuy còn dùng dằng, nhưng vẫn tiếp một tay.
Chú Hai vừa bắt giềng lưới, nhớ về những ký ức mùa nước nổi, mới cách đây mười mấy, hai mươi năm, lúc thằng Út của chú còn học cấp một trường xã, cánh đồng này vào mùa nước nổi con nước rất sâu, nước qua rằm tháng bảy đã lên ruộng rồi, cá các loại lên theo, đẻ trứng sinh con đến mùng mười tháng mười, nước giựt, cá xuống theo. Đủ loại cá, cá trắng, cá đen, nông dân ăn cá phủ phê, còn làm mắm, chưa nói đến tiền bán cá mua sắm quần áo sách vở cho con đi học, đóng tiền trường…
Bởi vậy sau khi thu hoạch lúa vụ ba, chưa kịp gác tay nghỉ ngơi là chú Hai bắt đầu vào vụ cá. Kẻ câu, người lưới, mờ sáng ra đồng í ới nhau ngập tiếng hỏi han cười nói. Cũng có người đi đồng hái bông súng, bông điên điển, cù nèo về chấm cá kho lạt, hoặc nấu canh chua. Cả nhà vui vầy với bữa ăn ngon vừa tính toán chuyện lu khạp làm mắm, chuyện chuyên chở cá tôm, rau đồng ra chợ bán. Sau mùa nước, lượng phù sa đọng trên đồng khiến mùa sau đỡ tốn phân thuốc, năng suất lúa vẫn cao.
Nhờ tới đó, chú Hai thủ thỉ với thiếm Hai: “Năm nay mưa nhiều, triều cường có lên, chắc có nước, có cá. Bà đừng lo, tui đảm bảo lấy lại tiền mua lưới, cũng sẽ có chút ít để bà làm mắm. Tới lúc đó tốn tiền mua khạp, bà đừng có nhằn tui...”. Thiếm Hai phì cười, cũng miên man nhớ về những ngày nhà chất đầy lu khạp, cá mắm ăn tới năm sau. Chợt đứa cháu nội, con thằng Út hỏi:
- Nội ơi, chừng nào đi giăng lưới chở con theo nha nội, con muốn chống xuồng hái bông điên điển với bắt cua bắt ốc.
Thím Hai chọc thằng nhỏ:
- Chưa chắc có nước để con chống xuồng lướt trên đồng đâu. Ông nội con bỏ ra trăm ngàn mua lưới, mai mốt đem vô giăng gà.
Chú Hai vọt miệng:
- Bà này nói xui xẻo!
Chú Hai nói vậy chứ cũng hơi rầu. Ngày xưa qua đầu tháng chín âm lịch, nước “phân đồng” theo cách nói của nông dân, nghĩa là nước đã tràn khắp nơi trên đồng. Chỗ đất gò cao nhứt cũng ngập trong nước từ năm đến bảy tấc, chỗ trũng từ bảy tấc đến một thước nước, xuồng gắn máy đuôi tôm chạy ào ào trên ruộng. Còn bây giờ, chỉ có ba đến năm tấc thôi, với lại mẫu đê nhỏ lớn đều khắp, bờ vùng bờ thửa năm ngăn bảy nắp không thể đi bằng xuồng được, mà lội bộ.
Bởi vậy chú không giận thiếm Hai cằn nhằn chuyện mua lưới đem về. Đời nông dân cũng ngặt, thấy mùa nước về thì đi sắm câu, lưới theo quán tính. Ấy cũng có thể nói là ghiền ra đồng mùa nước nổi, ở nhà buồn bứt rứt trong bụng. Nghĩ quanh quẩn một hồi chú Hai hơi lo không có cá sẽ bị vợ cười cho. Nhưng nhìn đất nhìn trời nhìn đồng năm nay, chú tin sẽ “có nước có cá” như câu nói của ông bà để lại.
Rồi chú Hai cũng thỏa lòng khi ba mươi âm lịch triều cường lên mạnh và mấy đám mưa liên tiếp làm cho cánh đồng tràn đầy nước. Chú Hai thấy mặt trời sắp lặn, vội quơ đùm lưới vắt lên vai đi ra đồng. Là nông dân cả đời ở đồng này nên chú biết rõ từng nơi gò nơi trũng, nơi nào đường cá dưới sông lên để chọn chỗ bủa lưới. Giăng lưới trên đồng khác giăng lưới dưới sông. Ở sông đi bằng xuồng chỉ một hai tay thôi, dạo lưới rất sâu chiếm hai phần ba chiều sâu con sông. Còn trên đồng phải giăng nhiều tay, mỗi tay dài năm bảy mét, dạo lưới ngắn theo độ sâu của nước, mỗi tay lưới phải có cắm hai đầu bằng cây sậy hoặc nhánh tre, gọi là đài lưới, mỗi tay hai cây đài lưới hai đầu. Mọi thứ đã chuẩn bị chu đáo, chú Hai thao tác thuần thục, không bao lâu chú đã giăng xong giàn lưới hai mươi tay. Nếu đi bằng xuồng thì lúc này là chú cắm sào nằm tréo chân chữ ngũ nhìn trời đêm, còn lội bộ kiểu này chú Hai phải tìm nơi gò đất cao không ngập nước ngồi đập muỗi nhìn trời.
Gió đêm thoáng mát làm chú sảng khoái trong lòng. Chú nói bụng: Cá nhiều hay ít không thành vấn đề, sướng nhứt là được ở dưới bầu trời đầy sao, hơi nước từ mặt đồng đưa lên mát rượi. Cái “ghiền” là ở giây phút này đây! Ghiền chờ cá đầy giỏ, ghiền thấy nhiều con cá mắc lưới, ghiền nước, ghiền đất, ghiền trời đêm bao la… Mùa nước lũ cũng là hy vọng của chú Hai và nông dân miệt lúa.
Chú Hai tính toán chu đáo chuyện giăng lưới bộ, nên đã chuẩn bị đeo mang lũ khũ, nào đèn, nào giỏ đựng cá nào lưới nên có đôi chút khó khăn. Đèn, bằng pin treo gọn trên đầu, quay đâu nó quay theo, rất tiện cho làm việc ban đêm. Tới giờ thăm lưới, chú Hai đeo giỏ xuống ruộng, hai tay lưới đầu lúc giăng còn sớm nên bị chạy hay sao mà nằm phơi lên mặt nước không có một cái đuôi cá, tay lưới kế mắc vài con cá rô đồng nhỏ xíu. Chú Hai thấy nản trong lòng, nhưng vẫn lội tiếp thăm những tay lưới kế bên. Gần hơn phân nửa lưới mà chỉ có chừng chục con cá rô phi, chú nói trong bụng: “Kiểu này về nhà bị vợ quở là cái chắc!”. Đến chỗ nước trũng hơi sâu chút, chú Hai thấy mất tiêu tay lưới, trong bụng nghi bị vướng mất lưới rồi! Chú thò tay xuống mò thì bất ngờ đụng cá dính đầy trong tay lưới. Tay kế và kế nữa cũng vậy. Trời gần sáng chú Hai mới khệ nệ mang lưới và cá về. Thiếm Hai đứng ở cửa mở đèn sáng choang chờ chú Hai. Thấy chú, thím trách, chủ yếu vì lo lắng:
- Mai nghỉ đi giăng lưới đi ông, có bao nhiêu con cá mà ở ngoài đồng sáng đêm, bệnh hoạn rồi ai hay?
Chú cười hiền cùng thiếm Hai lựa cá. Cá sống ngon để riêng, cá chết để riêng, hai thứ chừng tám ký lô. Thím Hai nhìn chú, nói:
- Không thấy nước mà cũng có cá hén ông!
- Hôm nay ngày đầu. Tui biết tánh cá rồi, mai đem về nhiều hơn.
Mắt thím Hai sáng lên:
- Vậy mai tui đi theo ông. Chứ ông đi một mình tui không yên tâm, ở nhà cũng ngủ được chút nào đâu!
Chú Hai đành thỏa hiệp:
- Vậy bà chuẩn bị rổ, thau, nhớ mang theo quần áo giữ ấm. Ngoài đồng hơi lạnh.
Thiếm Hai mỉm cười, thấy ấm lòng vì nhắc nhở của chú Hai. Mùi cá, mùi nước nổi đã cho gia đình chú Hai sống lại một thời, tưởng đã mất luôn.