02/04/2025 - 08:28

Phát huy vai trò người dân trong quản trị hành chính công 

Tại hội thảo “Nhận diện các vấn đề đối với năng lực quản trị và hành chính công của TP Cần Thơ” do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 3-2025, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết lập đa dạng các kênh lắng nghe ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách công. Ðây cũng là triết lý của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), khi người dân giám sát tính hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công (DVC) tại địa phương dựa trên trải nghiệm của bản thân. Do đó, để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, các cấp, các ngành cần có giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác cải cách hành chính. 

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố dự hội thảo “Nhận diện các vấn đề đối với năng lực quản trị và hành chính công của TP Cần Thơ”.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Theo kết quả đánh giá Chỉ số PAPI của TP Cần Thơ trong 10 năm gần nhất (2014-2023), xếp hạng tốt nhất của thành phố là năm 2016 (hạng 1); hạng 8 (năm 2018) và hạng 4 (2019). Tuy nhiên, sau đó điểm số liên tục giảm sâu. Kết quả 3 năm gần nhất, thứ hạng của thành phố liên tục sụt giảm và xếp ở nhóm trung bình thấp. Như vậy, có thể khẳng định mặc dù chính quyền thành phố đã có những nỗ lực trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị, nhưng nhìn chung có giai đoạn, thứ hạng và điểm số của TP Cần Thơ liên tục sụt giảm. Điều này cho thấy năng lực quản trị và hành chính công của thành phố còn tồn tại hạn chế, cần có giải pháp cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Phân tích Chỉ số PAPI của TP Cần Thơ giai đoạn 2014-2023, ông Cảnh đánh giá trong 8 nội dung của chỉ số này, có 3 trục nội dung gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính, cung ứng DVC, đạt điểm số cao nhất, ở mức trung bình cao (từ 6,5 đến 8/10 điểm) và không có nhiều biến động. Trong khi đó, các trục nội dung: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; quản trị môi trường, đạt điểm số khá thấp và có xu hướng giảm điểm mạnh. Đối với trục nội dung quản trị điện tử đạt điểm số thấp nhất, nhưng có xu hướng tăng điểm trong năm 2023.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết, qua phân tích những nội dung giảm điểm của Chỉ số PAPI, cho thấy cơ chế tương tác và thông tin giữa chính quyền thành phố và người dân chưa thực sự hiệu quả. Những cơ chế, quy định của Nhà nước về các phương thức tham gia của người dân, tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả; việc tiếp cận các thông tin liên quan đến chính sách của người dân còn hạn chế; số lượng, đối tượng người dân tham gia trong quản trị chính quyền tại địa phương chưa nhiều, đa số là đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Các nghiên cứu cho thấy sự tham gia của người dân mang lại nhiều lợi ích trong quản trị chính quyền, như: nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp; cải thiện chất lượng chính sách công và thúc đẩy sự đồng thuận xã hội. Vì vậy, ông Nhân khuyến nghị các cơ quan nhà nước cần cải thiện cơ chế phản hồi và cung cấp thông tin; thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân; tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân một cách kịp thời, minh bạch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để cung cấp DVC đến người dân một cách hiệu quả hơn. Chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm tham gia quản trị chính quyền.

Chia sẻ giải pháp cụ thể để nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, giảng viên chính Trường Chính trị TP Cần Thơ cho rằng, các cấp chính quyền cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PAPI; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho rằng thành phố đã và đang quyết liệt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, góp phần khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, thành phố tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Các đại biểu dự hội thảo cũng khuyến nghị, thành phố cần tập trung thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng trong hệ thống chính trị. Đồng thời, tiếp tục có cơ chế nhằm tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân trong quản trị chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết