10/05/2020 - 10:52

Cơ hội đón sóng FDI sau đại dịch COVID-19

Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỉ USD, chỉ bằng 84,5% so cùng kỳ năm 2019. Cả nước hiện có 31.862 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 373,1 tỉ USD; vốn thực hiện bằng 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 68,8 tỉ USD, Nhật Bản xếp thứ hai với 59,6 tỉ USD, tiếp đến là Singapore và Đài Loan, Hong Kong.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại dịch COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất kinh doanh. Song, nhiều ý kiến cho rằng, sau đại dịch COVID-19, sự dịch chuyển dòng vốn FDI sẽ diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia và làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) cũng rầm rộ hơn. Để đón sóng đầu tư cần đủ nội lực và sự cải cách về thể chế là yếu tố then chốt. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2020 để thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết số 58 đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xúc tiến đầu tư FDI, giám sát và hậu kiểm. Đồng thời chắc lọc dự án, không cấp phép mở rộng đối với dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường… Đây là nền tảng quan trọng cho chiến lược thu hút vốn FDI giai đoạn tới.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 (PCI 2019), trong tổng số gần 12.500 DN tham gia phản hồi có 1.500 DN FDI. Kết quả cho thấy lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra DN khối ngoại về PCI khẳng định xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các DN này. DN ngoại ghi nhận ấn tượng trong cải thiện lĩnh vực đăng ký DN, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. Cụ thể có 92% DN cho biết nhận toàn bộ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức trong vòng chưa đầy 3 ngày, 56% DN FDI hoàn thành thủ tục đăng ký DN trong thời gian dưới 1 tháng, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cũng giảm từ mức 56,4% năm 2016 xuống 42,5% năm 2019. Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ DN FDI đăng ký dưới hình thức DN trong nước cũng gia tăng… Điều này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang hấp dẫn hơn.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng, trong và sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới đang sắp xếp lại. Do đó, quốc gia nào tận dụng được các thời cơ sẽ hút vốn FDI hiệu quả nhất. Nhưng thời cơ và thách thức luôn đan xen, nếu quốc gia đó không đủ nội lực tiếp nhận vốn FDI sẽ gặp khó khăn, nhất là dễ rơi vào bẫy công nghệ thấp. Qua dịch COVID-19 thấy rất rõ, quốc gia nào có nhiều DN xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ ứng phó tốt hơn DN sử dụng thâm dụng lao động. Do vậy nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để chuẩn bị cho nền kinh tế số và cũng là chuẩn bị cho xu hướng đầu tư mới. Đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao… để đón đầu xu hướng.

Chia sẻ bài viết