Đức hôm 1-7 chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ Croatia trong bối cảnh liên minh 27 quốc gia thành viên này đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai do đại dịch COVID-19 gây ra.

Thủ tướng Đức Merkel (trái) tại cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Macron hôm 29-6. Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã khiến nhà lãnh đạo quyền lực nhất lục địa già từ bỏ cách tiếp cận thận trọng thông thường của mình để kêu gọi các nước trong khối “tham gia vào hành động đoàn kết phi thường” nhằm vượt qua đại dịch. Thủ tướng Merkel cảnh báo, sự phục hồi không đồng đều có thể làm suy yếu thị trường chung của EU với hậu quả có thể gây tổn hại đến các nền kinh tế mạnh hơn.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp hôm 29-6, bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí thúc đẩy thành lập quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỉ euro (khoảng 843 tỉ USD) được huy động qua thị trường tài chính. “Không ngoa khi nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với thách thức kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU. Một cuộc khủng hoảng như vậy đòi hỏi phải có phản ứng thích hợp. Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể tìm ra giải pháp, ngay cả khi con đường phía trước vẫn còn dài” - bà Merkel nhấn mạnh.
Theo AFP, 2/3 số tiền thuộc quỹ phục hồi kinh tế nói trên sẽ được dành tài trợ cho các quốc gia bị dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Ý, Tây Ban Nha; phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. Hiện các nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hạn mức, điều kiện hay thời hạn cụ thể của gói cứu trợ. Tuy nhiên, có 4 nước không muốn triển khai giải pháp gộp nợ chung mà muốn thông qua con đường tín dụng là Áo, Hà Lan, Thụy Ðiển và Ðan Mạch.
Dự kiến, quỹ cứu trợ trị giá 750 tỉ euro nói trên sẽ được 27 nước EU đàm phán tại cuộc họp ngày 17-7 tới. Nếu được thông qua, quỹ này sẽ là cột mốc quan trọng đối với sự đoàn kết của EU. Nó cũng sẽ là một chiến thắng lớn dành cho Berlin, giúp kéo giảm sự phẫn nộ đối với cuộc khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ khi chính quyền bà Merkel áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc đối với các nước gặp khó khăn, chẳng hạn như Hy Lạp.
Tuần báo Der Spiegel (Ðức) trong một bài bình luận nhận định, Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là “cơ hội cuối cùng” giúp bà Merkel ghi dấu ấn với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của châu Âu. Der Spiegel cũng cho rằng đã đến lúc Ðức phải gánh nhiều trách nhiệm hơn trong tư cách là quốc gia lớn nhất và là nền kinh tế hàng đầu của khối.
Theo giới phân tích, bà Merkel cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức khác trong những tháng tới, gồm giải quyết các vấn đề hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), các mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, cách thức đối xử với Trung Quốc, biến đổi khí hậu, cuộc xung đột ở Libya và Syria.
Ở tuổi 65 và qua 15 năm tại nhiệm, bà Merkel là nhà lãnh đạo lâu năm nhất trong EU. Bà từng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để đoàn kết và hồi sinh EU nhưng bao giờ thực hiện được trước làn sóng dân túy và ngờ vực trong EU dâng cao. Ngày nay, những thách thức của thời đại rõ ràng lớn hơn. Vì vậy, sứ mạng của Thủ tướng Merkel trong 6 tháng tới được đánh giá là bất khả thi và di sản cầm quyền của bà trong hơn 1 năm còn lại đang bị đe dọa nếu các nỗ lực cuối cùng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của khối không thành công.
TRÍ VĂN (Theo AFP, DW)