06/12/2011 - 09:42

Có được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con?

Hỏi: Tôi và vợ đã ly hôn. Vợ tôi được Tòa cho phép nuôi con gái 10 tuổi và vợ tôi không yêu cầu tôi cấp dưỡng. Bản án tuyên tôi được quyền thăm nom, quan tâm con gái của tôi. Từ khi ly hôn đến nay, tôi đã nhiều lần thăm nom, mua sắm đồ và gởi tiền cho con gái nhưng vợ tôi đã ngăn cấm, không cho con gái gặp mặt hay nhận bất cứ vật gì của tôi. Xin cho biết trường hợp vợ tôi ngăn cản tôi thăm con có vi phạm pháp luật không? Tôi có thể yêu cầu Tòa án chuyển quyền nuôi con cho tôi được không?

Nguyễn Văn Dũng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn được Luật sư Ngô Công Minh, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, giải đáp:

Theo Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình: sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Về trường hợp của bạn, việc cản trở thăm nom con cái đối với người không trực tiếp nuôi con là không đúng pháp luật vì không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con, do vậy bạn có quyền đệ đơn yêu cầu Tòa án giải quyết để thay đổi người trực tiếp nuôi con mà Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình, quy định như sau:

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết