27/09/2023 - 23:05

CIA phát triển công cụ tương tự ChatGPT 

Các cơ quan tình báo Mỹ sẽ được trang bị công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự như ChatGPT để lùng sục manh mối trong biển thông tin công cộng.

CIA quyết định tự tạo công cụ AI. Ảnh: Bloomberg

Hãng Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang chuẩn bị triển khai một công cụ tương tự chatbot nổi tiếng ChatGPT của công ty OpenAI.

Công cụ của CIA sẽ sử dụng AI để giúp các nhà phân tích tiếp cận tốt hơn với tình báo nguồn mở. Công cụ này cho phép người dùng xác định nguồn gốc của thông tin mà họ đang xem. Tính năng trò chuyện là một phần hợp lý để phân phối thông tin tình báo nhanh hơn. CIA sẽ chia sẻ công cụ cho toàn bộ 18 cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Việc phát triển công cụ mới là một phần trong chiến dịch rộng hơn của Chính phủ Mỹ nhằm khai thác sức mạnh AI và cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ này vào năm 2030.

Trong năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã xác định AI là một trong 7 “công nghệ tiên phong” cần phát triển. Hồi tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị AI Thế giới thường niên tại thành phố Thượng Hải với sự tham gia của 400 doanh nghiệp để giới thiệu tham vọng AI của nước này. 

Khi Bắc Kinh phát triển AI, thậm chí trình làng một người dẫn chương trình tin tức AI vào đầu năm nay, có những lo ngại rằng Washington có thể bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh trên, Mỹ đã thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi đánh giá những rủi ro của AI đối với kinh tế và nội bộ. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiết của Dự luật về quyền AI và phác thảo kế hoạch tập hợp các tài liệu nghiên cứu AI cấp quốc gia. Mỹ còn công bố khung quản lý rủi ro AI cũng như đầu tư 140 triệu USD để thành lập 7 viện nghiên cứu mới về AI.

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 8 đã thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra việc sử dụng tiềm tàng và các vấn đề liên quan các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT. Trước đó, Giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Gilbert Herrera lưu ý cộng đồng tình báo Mỹ cần tìm cách khai thác lợi ích từ các mô hình này mà không vi phạm quyền riêng tư. 7 công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI của Mỹ, bao gồm Microsoft, Google và Open AI, cũng đã cam kết thực hiện một số biện pháp bảo vệ nhất định đối với công nghệ AI của họ, với sự thúc đẩy từ Nhà Trắng.

Trước việc Washington gần đây tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), giới chuyên gia đánh giá động thái này sẽ mở ra mặt trận mới cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung, đặc biệt là vấn đề đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu về AI. Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc đối đầu trên mặt trận AI đang gay cấn, Tổng thống Biden hồi tháng rồi đã phác thảo các kế hoạch về những hạn chế mới đối với việc đầu tư của các công ty Mỹ vào các thực thể Trung Quốc, bao gồm các hệ thống AI nhất định.

Mỹ đang dẫn đầu về đầu tư vào AI khi chi 26,6 tỉ USD cho công nghệ này trong năm tính đến giữa tháng 6, so với chỉ 4 tỉ USD của Trung Quốc. Cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều chú trọng đến việc phát triển AI, công nghệ có thể tác động đáng kể đến cán cân quyền lực và kinh tế. Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey & Company dự báo AI có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 600 tỉ USD/năm cho Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết