16/06/2014 - 20:04

Chuyện về trận đánh Yếu khu Quang Phong !

Từ ngày thành lập (24-6-1964) tại xã Phương Bình (Phụng Hiệp), Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) đã lập nên nhiều chiến công nức lòng người, qua các trận: Ông Hào; Kinh Xáng Thị đội; Cái Sắn; Ông Cửu, v.v... Trong đó không thể không nhắc đến trận đánh Yếu khu Quang Phong - cùng với việc đánh sập 2 nhịp cầu Cái Răng - khởi đầu chiến dịch Quang Trung, tiến đến mở rộng vùng giải phóng...

MỘT TẤM ẢNH, MẤY VẦN THƠ...

Quang Phong trận đánh mở đầu
Mùa hè chiến dịch Quang Trung thắng giòn
Tây Đô ghi một điểm son
Đi là chiến thắng
Đánh là tiêu diệt
Tiếng đồn không sai!

Đó là mấy vần thơ tôi đọc được trong bài “Tuổi tám mươi nhớ lại” của ông Phạm Duy Khương (Chín Khương) đăng trong quyển Long Mỹ quê tôi (tập 1). Có thể nói, đó là hồi ức đẹp “bằng thơ” của người đồng chí lão thành 86 tuổi đời, 66 tuổi Đảng, giúp tôi hệ thống lại diễn biến lịch sử - nói chung - từ Cách mạng mùa Thu Tháng Tám 1945, cho đến ngày giải phóng 30-4-1975. Và, hiểu thêm nhiều điều về người cán bộ cách mạng - một Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ (giai đoạn từ đầu 1972 đến đầu 1976) hiếm hoi sống thọ...

Còn nhớ, sau giải phóng, đã có lần tôi gặp ông tại buổi lễ kỷ niệm chiến thắng Yếu khu Quang Phong ở Phương Bình - Phụng Hiệp, có lẽ cách đây trên dưới ba mươi năm. Lần ấy, tôi không có ấn tượng sâu đậm về ông. Cũng không ghi nhớ được gì nhiều về diễn biến trận đánh, cùng chiến tích của những người lính hoặc người chỉ huy trong việc tiêu diệt yếu khu Quang Phong. Giờ thì tôi sửng sốt, thú vị biết bao khi chính ông trao cho tôi tấm ảnh tư liệu vô cùng quí giá về sa bàn trận đánh ấy!

Đó là khoảnh khắc mà nhà nhiếp ảnh cách mạng Trần Giác đã “bắt” cả thời gian và không gian ngưng đọng lại - để cho hôm nay, người thuộc thế hệ như tôi và những thế hệ tiếp sau, được biết về một trong những người chỉ huy, cũng như những người lính - vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là người trực tiếp tham gia vào trận đánh - niềm tự hào to lớn của những người đi theo cách mạng, có cơ may đền ơn nước...

GẶP GỠ NGƯỜI CHỈ HUY TRONG TỈNH ĐỘI...

Theo hướng dẫn của đồng chí Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ, tôi tìm đến nhà Đại tá Trần Cừ (Sáu Cừ), ở khu vực 3, phường An Hòa (Ninh Kiều). Càng thú vị hơn khi tôi được trông thấy hai tấm ảnh treo trên tường nhà đại tá. Một tấm y như tấm của bác Chín Khương cho tôi xem, trong đó Đại tá Trần Cừ đang đứng giữa “ba quân”, phác thảo kế hoạch tác chiến trên sa bàn Yếu khu Quang Phong. Sa bàn đó không phải là bản vẽ, mà là hình đắp nổi trên đất, với đầy đủ chi tiết của một yếu khu (chính yếu trực thuộc Chi khu Long Mỹ), mà địch xây dựng lên với ý đồ bình định vùng giải phóng rộng lớn ở Phương Bình. Theo bác Chín Khương, chỗ “lên” sa bàn chỉ cách yếu khu Quang Phong chừng 2 cây số. Nhưng ta vẫn đảm bảo được yếu tố bí mật, nguyên nhân dẫn đến thành công của trận đánh!

Bức ảnh treo trên tường nhà Đại tá Trần Cừ do nhiếp ảnh gia Trần Giác chụp lúc Đại tá Trần Cừ (đứng, phải) phác thảo kế hoạch tác chiến trên sa bàn Yếu khu Quang Phong.
 

Cũng như bác Chín Khương, ông Sáu Cừ, nguyên Tham mưu trưởng lúc bấy giờ, cho biết về bối cảnh, tương quan lực lượng địch - ta sau Tết Mậu Thân. Nói chung, lúc ấy địch ra sức lấn chiếm, bình định khắp nơi, hoạt động cách mạng vô cùng khó khăn... Đồng thời, ông nhấn mạnh: Đến năm 1972, lực lượng ta được bổ sung, Quân khu chỉ thị chuẩn bị chiến dịch Quang Trung, cương quyết đẩy mạnh hoạt động cách mạng, giành lại thế chủ động.

Theo Đại tá Trần Cừ, từ ngoài Phụng Hiệp nhìn vô, Yếu khu Quang Phong nằm bên trái Kinh xáng Lái Hiếu, cặp kinh Quang Phong, bố trí địa hình theo hình chữ nhật, cạnh ngắn 80 mét, cạnh dài 120 mét. Cách đó 50 mét, địch còn đóng đồn tam giác (cấp trung đội). Phía bên sông có thêm một lô cốt tiền tiêu. Quân số yếu khu ước tính 130 người, bao gồm một đại đội bảo an và một trung đội pháo binh với 2 khẩu 105 ly. Ngoài ra, còn phải kể đến khả năng pháo binh chi viện cho Yếu khu Quang Phong từ Chi khu Long Mỹ và cụm pháo Ngã Tư Cây Dương. Về phía ta, bộ binh mới khôi phục, lực lượng tham gia trực tiếp chiến đấu khoảng 160 quân, gồm TĐTĐ và các đơn vị trực thuộc tỉnh đội như: đặc công, pháo binh, công binh, địa phương quân huyện Phụng Hiệp.

Ông Sáu Cừ nói rõ mục tiêu chiến dịch Quang Trung là: Một, tiêu diệt Yếu khu Quang Phong. Sau đó vài ngày sẽ bức rút, bức hàng cho được vài chục đồn bót đóng quanh khu vực Phương Bình. Hai, đánh cho được cầu Cái Răng nhằm cắt giao thông chi viện của vùng Bốn ngụy về Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Từ đó, cơ quan tham mưu tỉnh đội cử trinh sát hợp pháp vô nghiên cứu tỉ mỉ yếu khu. Công tác chuẩn bị kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó thì, trước trận đánh 2 ngày, Ban chỉ huy tỉnh đội lên sa bàn, phân công cho các lực lượng tham gia đánh; rồi các đơn vị về sinh hoạt lại... Cuối cùng thống nhứt theo kế hoạch. Và, ban chỉ huy TĐTĐ về triển khai đúng theo kế hoạch ban đầu của tỉnh đội.

DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH!

Trong hồi ký “Sống, chiến đấu trên quê hương Tây Đô anh hùng”, Thiếu tướng Lê Hoàng Sương, AHLLVTND, nguyên Tiểu đoàn trưởng TĐTĐ lúc bấy giờ, kể lại: Ông đã trực tiếp cùng một số đồng chí khác trong ban chỉ huy tiểu đoàn đi điều nghiên hai lần và quyết định đánh “bí mật, kỳ tập” bằng mìn, thủ pháo, lựu đạn. Ông cùng đồng chí Nguyễn Văn Thiên, Chính trị viên; đồng chí Huỳnh Hữu Khương, Tiểu đoàn phó - Tham mưu trưởng, chỉ huy trận đánh. Đồng chí Võ Văn Tấn, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy mũi từ sông đánh lên, chỉ 5 đồng chí toàn cán bộ cấp trung đội trở lên. Đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Chính trị viên phó tiểu đoàn, đi với mũi thọc sâu cùng các đồng chí Nguyễn Chí Điều (Thắng Điều), Đào Văn Bé.

1 giờ 45 phút ngày 7-4-1972, hiệu lệnh nổ súng (tiếng mìn nổ) vang lên, khi bộ đội đã tiếp cận mục tiêu. Mũi thọc sâu sau phút nổ súng chiến đấu đầu tiên đã chiếm lô cốt ven tường, đánh thọc vào khu chỉ huy trung tâm. Đồng chí Tấn chỉ huy mũi dưới sông đánh lên. Đại đội địa phương quân huyện Phụng Hiệp phối thuộc, được đồng chí Hoàng chỉ huy, nhanh chóng đánh chiếm được đồn tam giác. Sau một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt Yếu khu Quang Phong, phá hủy hai khẩu pháo 105 ly.

Khi tôi hỏi ông Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa) “vài nét về “mũi thọc sâu”?”, ông hồi tưởng: Mũi thọc sâu do ông Đào Văn Bé làm mũi trưởng, Tám Nghĩa cùng đi, tổng cộng có 9 người, chia làm 3 tổ. Bao gồm, tổ thọc sâu vào sở chỉ huy Yếu khu Quang Phong, gồm 4 đồng chí: Tám Nghĩa, Thắng Điều, Thum và Trà; tổ đánh vào trận địa pháo, gồm 2 đồng chí Đào Văn Bé và Nguyễn Văn Bé; tổ đánh ven tường, chiếm lô cốt, gồm 3 đồng chí Lê Trung Nghĩa, Nguyễn Văn Tòng, Hoàng Anh thông tin vô tuyến điện.

Đến giờ G, tổ thọc sâu đã lần lượt vượt qua 7 lớp rào quanh đồn, tiếp cận lớp rào cuối cùng (sát tường đồn) và đặt mìn (ĐH10) phá rào... Do mìn quá gần, cả mũi không xung phong được. Vị trí Tám Nghĩa đang ở xa quả mìn hơn, ít bị ảnh hưởng, cộng với nóng lòng, nên anh xung phong trước, chiếm ven tường đầu tiên. Địch ném lựu đạn, Tám Nghĩa đã bị gãy tay nhưng không hề hay biết... Chỉ khi trông thấy khẩu AK trong tay cứ chúi xuống, cùng lúc thấy máu chảy ướt tay áo, mới biết mình đã bị thương, nhưng Tám Nghĩa vẫn lao về phía trước... Lát sau, anh em trong tổ hồi tỉnh, xung phong, đánh theo kế hoạch. Diễn biến trận đánh, Trà hy sinh, Thum bị thương, Tám Nghĩa và Thắng Điều tiếp tục đánh chiếm từng công sự địch, và đến gần “sở chỉ huy”. Tại đây, lại một lần nữa, Tám Nghĩa bị thương - lần này thì ở đầu - máu chảy ướt cả mặt, nhưng vẫn cùng đồng chí Thắng Điều đánh tiếp vào trung tâm sở chỉ huy của địch.

Ông Tám Nghĩa ngậm ngùi kể thêm về cục diện chung vào lúc đó: Tổ của hai đồng chí Bé trên đường đánh qua trận địa pháo, bị địch kháng cự, cả hai đều hy sinh! Còn tổ đánh ven tường chiếm lô cốt, khi đã chiếm được lô cốt xong thì đánh qua, hỗ trợ cho mũi đánh từ dưới sông lên. Đồng chí Tòng bị thương nặng. Sau đó, tiểu đoàn đưa đồng chí Năm Nghĩa lên hỗ trợ, mang theo khẩu B41, rồi Năm Nghĩa cũng bị thương nặng. Đồng chí liên lạc Cao Văn Thái đến truyền lệnh, lúc ấy mũi ven tường đã thọc sâu vào bên trong, đồng chí Thái cùng theo mũi tham gia chiến đấu và cũng hy sinh!

Nhìn lại “tổ thọc sâu” do ông Thắng Điều phụ trách, ông Tám Nghĩa khẳng định: Tổ thọc sâu đánh nhanh, đánh mạnh, táo bạo, ngoan cường, đánh chắc từng bước, góp phần đáng kể vào việc diệt Yếu khu Quang Phong, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly!

Nghe ông Tám Nghĩa nhắc về trận đánh Yếu khu Quang Phong, về đồng đội đã hy sinh (lẫn còn sống) - trong những ngày cựu chiến binh TĐTĐ đang háo hức đón mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tiểu đoàn - tôi lại nhớ mấy vần thơ của bác Chín Khương trìu mến, tự hào khi nhắc đến “người bộ đội Tây Đô” như nói trên. Càng nhớ giọng nói đầy hân hoan của ông khi tôi tạm biệt để đi gặp Đại tá Trần Cừ: “Sau trận Yếu khu Quang Phong, ta mở rộng vùng giải phóng ra Xáng Bộ, Ngã tư Cây Dương, Cái Sơn, v.v... Từ đó, với khí thế hưng phấn, ta tiếp tục tấn tới, tiềm lực kháng chiến tăng lên dẫn đến ra đời TĐTĐ 3, tiến đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973...

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết