04/08/2009 - 21:19

Chuyện ở phòng tư vấn...

Với phương châm “Miễn phí, thân thiện, bảo mật và chính xác”, Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng, hay còn gọi là Phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS (ở số 21 Phạm Ngũ Lão, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) do Dự án Life-gap tài trợ, hoạt động dưới sự giám sát của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, là điểm đến tin cậy của nhiều người, nhất là những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Địa chỉ này ngày càng trở nên quen thuộc trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Địa chỉ thân thiện

 Tư vấn viên Đoàn Thị Kim Phượng đang tư vấn cho khách hàng.

Phòng Tư vấn chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11- 2003 ở số 79 Lý Tự Trọng, đến tháng 10-2007 thì dời về đường Phạm Ngũ Lão cho đến nay. Nhân sự của phòng có 10 người (6 tư vấn viên (TVV), 2 xét nghiệm viên, 1 bác sĩ giám sát và 1 nhân viên văn phòng), làm việc từ thứ hai đến thứ bảy. Phòng Tư vấn xét nghiệm dành cho tất cả đối tượng, nhất là người nghiện ma túy, mại dâm. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính, phòng sẽ chuyển tuyến để khách hàng được chăm sóc điều trị.

Chị Phan Hồng Yến, nhân viên hành chánh của phòng, cho biết: Trung bình mỗi ngày phòng có 10 người đến tư vấn mới, 10 người đến lấy kết quả; độ tuổi đến tư vấn trung bình từ 20-29 tuổi, khách hàng chủ yếu là nam, đủ mọi thành phần, vùng miền, đặc biệt người dân ở các tỉnh xa đến khá nhiều. Mỗi người sẽ được cấp mã số riêng, vô danh hay ghi danh tùy vào sự chọn lựa của khách hàng. Chị Yến chia sẻ: “Số người bị nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ngày càng nhiều, vì trước đây nhiều người không biết địa điểm và ít chịu đi xét nghiệm. Còn tôi, thoạt đầu nghe tới AIDS thì sợ lắm, nhưng vào làm rồi thấy bình thường. Họ cũng như mình, không may mang bệnh hiểm nghèo, càng phải được thông cảm, giúp đỡ”.

Thông thường TVV sẽ thực hiện 2 bước tư vấn: bước 1 (trước xét nghiệm) tìm hiểu nguy cơ và những biện pháp giảm nguy cơ; bước 2 (sau xét nghiệm) thông báo kết quả, chuyển tuyến chăm sóc nếu kết quả dương tính. Nếu kết quả âm tính, các TVV sẽ hoạch định kế hoạch, tư vấn để khách hàng biết giữ gìn kết quả đó. Không ít khách hàng khi biết kết quả dương tính hoàn toàn suy sụp, TVV phải chuẩn bị tư tưởng cho khách hàng ngay từ đầu, nếu nhiễm bệnh thì phải điều trị, dù không hết bệnh nhưng được nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống. TVV Đoàn Thị Kim Phượng kể: “Làm việc ở đây chúng tôi chứng kiến biết bao vui buồn, nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Có người chỉ vì thiếu hiểu biết, lỡ lầm một phút mà phải ân hận cả đời. Như chồng quan hệ tình dục bên ngoài nhiễm bệnh về lây cho vợ, vợ không biết, để mang thai, lây bệnh sang con. Nếu người chồng có ý thức cảnh giác, đi tư vấn, xét nghiệm ngay từ đầu thì sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm cho vợ con”.

Chị Phượng là thành viên làm việc lâu năm nhất của phòng. Hiện tại chị Phượng vừa là TVV của Phòng Tư vấn, kiêm cán bộ chuyên trách Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình quận Ninh Kiều. Rất nhiều kỷ niệm gắn kết chị Phượng với nghề này, để chị ngày càng dốc sức với công việc, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Chị Phượng còn nhớ một buổi chiều mưa cách đây hơn tháng, có một phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang ôm 2 đứa con trai sinh đôi vừa tròn 7 tháng tuổi đến nhờ xét nghiệm. Chồng bị nhiễm nhưng chị không biết, khi chồng chết, bên nhà chồng mới nói cho chị hay sự thật. Một tuần căng thẳng trôi qua, khi nhận kết quả âm tính, gia đình chị khóc như mưa, cảm ơn TVV rối rít. Chị Phượng xúc động nói: “Không phải ai cũng được may mắn như vậy, có trường hợp cả gia đình bị nhiễm, vì không biết kiến thức phòng tránh. Nếu người mẹ mang thai bị nhiễm được chăm sóc điều trị tốt, nguy cơ con bị nhiễm sẽ giảm nhiều hơn. Nhìn bệnh nhân bị nhiễm thấy tội lắm, cuộc sống họ phải phấn đấu từng ngày. Chưa xóa hết sự kỳ thị của xã hội khiến họ phần lớn sống khép kín trong vỏ bọc của mình”.

Sự cảm thông sâu sắc

Theo các TVV, ai cũng có khả năng lây nhiễm HIV/AIDS, đi tư vấn xét nghiệm là chuyện bình thường, không có gì phải e ngại. Đã có không ít trường hợp sống trong tâm trạng đau đớn, khổ sở vì nghi ngờ mình bị nhiễm HIV, bao nhiêu lo lắng không biết chia sẻ cùng ai. Nhưng sau khi được tư vấn, xét nghiệm, kết quả âm tính, giúp họ tìm lại được ý nghĩa niềm vui sống. Những trường hợp dù kết quả là dương tính, nhưng có TVV tư vấn, giúp đỡ, họ sẽ sống có ích bằng cách gia nhập đội ngũ đồng đẳng viên, tham gia phát tờ rơi, tuyên truyền phòng chống căn bệnh AIDS.

Theo TVV Lưu Huỳnh Bảo Châu, nhóm dân di biến động như công nhân, thợ hồ, dân nhập cư rày đây mai đó là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Chị thường xuyên gặp những ca tư vấn qua điện thoại, nếu thấy rắc rối sẽ tìm cách mời khách hàng đến gặp mặt. Chị Châu kể: “Tư vấn rất khó, phải tùy tâm lý đối tượng để có cách nói chuyện phù hợp, làm sao để người ta tin, chịu nói thiệt với mình là điều không dễ dàng. Khó khăn nhất của chúng tôi là làm sao tư vấn cho đối tượng có nguy cơ cao (ma túy, mại dâm) thay đổi được hành vi, phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Có nhiều người bị nhiễm rất muốn lập gia đình, chúng tôi khuyên họ nên nói rõ với bạn tình. Sau khi biết sự thật, có đôi chia tay, nhưng cũng có người tình cảm khăng khít hơn. Các bạn trẻ trước khi kết hôn nên đến tư vấn, xét nghiệm để đề phòng những tình huống bất trắc”. TVV Châu Thị Thùy Trang cho biết, đối tượng sử dụng ma túy dễ bị lây nhiễm nhất, họ thường hứa không tái nghiện nhưng ít khi thực hiện được. Chị Trang tâm sự: “Đa phần đối tượng nhiễm HIV/AIDS thường giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm các bệnh khác. Lúc đầu tiếp xúc với các đối tượng này cũng ngại, nhưng dần quen. Hạnh phúc nhất của tôi là tư vấn thành công cho những người cai nghiện, lập gia đình, hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Ngoài tư vấn, phòng còn phát sách, tài liệu về bệnh AIDS, bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí. Qua 6 năm hoạt động, Dự án Life-gap Trung ương đã công nhận Phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện TP Cần Thơ là cơ sở Tư vấn xét nghiệm tự nguyện tốt nhất năm 2007-2008. Phòng cũng đoạt giải 3 poster Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện năm 2008.

Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Trưởng khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: “Phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần phát hiện số lượng người nhiễm để theo dõi diễn biến dịch, giới thiệu những dịch vụ chăm sóc điều trị toàn diện trên địa bàn. 6 năm qua, phòng đã tiếp trên 8.000 lượt người, hơn 90% đến nhận kết quả, trong đó 47% là đối tượng có nguy cơ cao, tỷ lệ nhiễm là 16% trên tổng số khách hàng đến xét nghiệm, lượng khách hàng ghi tên tự nguyện ngày càng tăng. TVV làm việc tốt, nhiệt tình, nắm rõ quy trình. Hiện nay, theo đánh giá của Dự án Life-gap, Phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện TP Cần Thơ là một trong năm đơn vị đạt hiệu quả cao nhất nước”.

* * *

Trong số 6 TVV của phòng, có đến 5 người là nữ, phần lớn đều lập gia đình, có con nhỏ. Yêu nghề và trên hết là tấm lòng cảm thông sâu sắc với người bệnh nên dù được khuyến cáo đây là công việc nguy hiểm, độc hại nhưng các chị vẫn an tâm, gắn bó. Làm việc vất vả và đầy áp lực nhưng các TVV cảm thấy vui vì được mọi người tin tưởng, coi như điểm tựa tinh thần. Lực lượng khá mỏng nhưng mọi người vẫn tận lực làm cầu nối, nhất là đối với những đối tượng ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các phương tiện truyền thông. Điều các TVV ở đây mong mỏi nhất là mỗi người nên cùng nhau góp sức để làm giảm tệ nạn xã hội, cũng là giảm nguy cơ lây nhiễm bằng lối sống lành mạnh, vợ chồng chung thủy. Các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ thêm về căn bệnh AIDS, cách phòng tránh. Người bị nhiễm cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa để vượt qua mặc cảm bệnh tật, tự tin vui sống.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết