30/04/2020 - 09:31

Chuyên gia Hàn Quốc bác khả năng bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm sau khi bình phục 

 Các chuyên gia y tế Hàn Quốc ngày 29-4 cho biết các bệnh nhân COVID-19 sau khi bình phục vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là do còn một lượng nhỏ xác virus.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính đến hết ngày 28-4, Hàn Quốc đã có tổng cộng 277 bệnh nhân COVID-19 sau khi bình phục vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ủy ban y tế trung ương Hàn Quốc về kiểm soát các dịch bệnh mới xuất hiện khẳng định ở các trường hợp trên không còn tồn tại virus còn sống, qua đó bác bỏ các giả thuyết SARS-CoV-2 có thể kích hoạt trở lại hoặc bệnh nhân tái nhiễm.

Theo các chuyên gia y tế Hàn Quốc, các trường hợp được cho là tái nhiễm nêu trên vẫn còn xác virus trong cơ thể họ và xuất hiện trên các dụng cụ xét nghiệm nhanh.

Hàn Quốc hiện đang sử dụng xét nghiệm phản ứng sao chép chuỗi polymerase ngược (PCR) đối với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bằng cách truy dấu gene di truyền (RNA) của virus trong mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân.

Các chuyên gia cho biết xét nghiệm PCR này nhạy đến mức có thể phát hiện một lượng nhỏ RNA từ một tế bào, kể cả sau khi người bệnh đã bình phục.

Thông cáo báo chí của ủy ban trên nêu rõ: “Các đoạn RNA vẫn có thể tồn tại trong một tế bào ngay cả khi virus đã hết hoạt động. Nhiều khả năng những người lại có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi bình phục là do đã thu thập RNA từ virus đã hết hoạt động”.

Chủ tịch ủy ban trên - ông Oh Myoung-don - cho biết các trường hợp có kết quả dương tính khi xét nghiệm lại là do những hạn chế về kỹ thuật của phương pháp xét nghiệm PCR. 

Ủy ban trên khẳng định SARS-CoV-2 hầu như không thể kích hoạt trở lại trừ phi virus này gây nhiễm trùng mãn tính.

Theo ông Oh Myoung-don, SARS-CoV-2 khác với các virus gây các bệnh như AIDS và viêm gan B, theo đó virus gây các bệnh này hoạt động bên trong nhân tế bào và sau đó gây nhiễm trùng mãn tính trong khi SARS-CoV-2 không xâm nhập vào nhân tế bào và kết hợp với DNA của bệnh nhân, có nghĩa là virus này không gây nhiễm trùng mãn tính.

Thanh Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết