14/12/2024 - 10:59

Chuyển đổi số lĩnh vực báo chí - Cơ hội và thách thức 

Chuyển đổi số (CÐS) không chỉ đơn thuần là xu hướng, mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với các tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí. Theo báo cáo của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA), những cơ quan báo chí thực hiện CÐS đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về lượt truy cập và doanh thu. Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, phát triển các sản phẩm báo chí đa phương tiện và tăng cường kết nối với công chúng. Bên cạnh cơ hội phát triển, CÐS báo chí đối mặt với nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng, tài chính đến những vấn đề nhân sự và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng Bộ phận Công nghệ, Trung tâm Tin tức (HTV) chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo. Ảnh: Q. THÁI

Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam vừa tổ chức hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh CÐS, đáp ứng yêu cầu mới của Ðiều lệ Giải Báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam. Theo ông Nguyễn Ðức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực HNB Việt Nam, hội nghị là cơ hội để lãnh đạo HNB, cơ quan báo chí các tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy CÐS báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số trong hệ sinh thái số hiện nay. Từ năm nay, Ðiều lệ Giải Báo chí Quốc gia có nhiều điểm mới, đặc biệt là 2 nhóm giải mới: Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo. Theo đó, sản phẩm báo chí đa phương tiện là tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: infographic, video clips, podcast, gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác...

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, CÐS lĩnh vực báo chí là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới, đồng thời khuyến nghị các giải pháp đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân viên, tìm kiếm các nguồn tài trợ phù hợp để thúc đẩy CÐS trong lĩnh vực báo chí hiệu quả. Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ (TP Hồ Chí Minh), trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rất nhanh, báo chí cũng phải phát triển để đảm bảo thu hút công chúng như mạng xã hội, trong đó báo chí đa phương tiện cần được phát huy. Ông đúc kết báo chí đa phương tiện chất lượng cao cần đảm bảo nguyên tắc “3 đa” và “3 truyền”. Cụ thể, “3 đa” là đa ngôn ngữ (chữ viết, hình ảnh, đồ họa, audio, video, thậm chí là livestream), đa loại hình (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình, hoặc kết hợp các thể loại này với nhau), đa nền tảng (xuất bản trên giấy, trên mạng gồm web và mạng xã hội); “3 truyền” là truyền thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng, truyền thông điệp rõ ràng cho công chúng và truyền cảm hứng tạo động lực cho công chúng chia sẻ, đồng hành góp phần thực hiện giải pháp.

Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, ấn phẩm phụ san Panorama Chiến dịch Ðiện Biên Phủ của Báo Nhân Dân thực sự là một thí dụ về đổi mới báo in tầm cỡ thế giới với sự thiết kế tỉ mỉ và tập trung vào tính tương tác của độc giả. Ấn phẩm đã mang đến một hành trình lịch sử hấp dẫn cho khán giả thuộc mọi thế hệ. Bằng cách tích hợp sáng tạo các yếu tố công nghệ, sản phẩm này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ thế hệ trẻ.

Trong tham luận “Ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo”, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng Bộ phận Công nghệ, Trung tâm Tin tức, Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), cho biết, báo chí hướng đến đa phương tiện, trong đó việc ứng dụng trí tuệ thông minh (A.I) trong sáng tạo tác phẩm báo chí là xu thế đã và đang được HTV đẩy mạnh thực hiện. Việc ứng dụng A.I trong sáng tạo tác phẩm báo chí từ việc lên ý tưởng tiền kịch bản, tiền kỳ quay và hậu kỳ sản phẩm báo chí.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng những năm gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông. Sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của CÐS đã thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo để tạo ra các tác phẩm báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện. Tại TP Cần Thơ, báo chí thành phố đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

Bên cạnh cơ hội, việc thực hiện CÐS lĩnh vực báo chí đối mặt với nhiều thách thức. Ðơn cử như chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân viên, ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng, đặc biệt là đối với các tổ chức quy mô lớn. Vì vậy, cần có kế hoạch tài chính cụ thể và tìm kiếm các nguồn tài trợ phù hợp. Vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cũng là thách thức lớn đối với cơ quan báo chí. Các chuyên gia cho rằng, Ðảng và Nhà nước cần hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển và ứng dụng công nghệ trong CÐS lĩnh vực báo chí thông qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo giữ vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông số ở nước ta.

Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 348/QĐ-TTg), với mục tiêu chung là CĐS báo chí nhằm xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Ngoài ra, phấn đấu 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

DÂN AN

Chia sẻ bài viết