16/10/2021 - 06:59

Chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu hội nhập 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư pháp sẽ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức. Các ứng dụng điện tử còn làm tăng tính minh bạch, khách quan trong các hoạt động, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thuận lợi từ các dịch vụ công trực tuyến

Người dân liên hệ thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ.

Người dân liên hệ thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ.

Bà Đặng Thùy Vân ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi đăng ký thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài và theo chồng sang Australia định cư. Quá trình thực hiện thủ tục cấp lý lịch tư pháp đều thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, rất tiện lợi và nhanh chóng. Tôi và chồng tôi rất hài lòng vì thủ tục có yếu tố nước ngoài được thực hiện nhanh, chủ yếu trên môi trường điện tử, hiện đại. Khi có kết quả thực hiện, công chức còn điện trực tiếp cho tôi đến nhận và thủ tục được thực hiện trước hạn”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, cũng chia sẻ: “Tôi vừa đăng ký thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký thành lập doanh nghiệp, rất thuận lợi”. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông qua mạng điện tử, cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xem xét, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp...

Theo đánh giá của Sở Tư pháp TP Cần Thơ, việc triển khai Đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến đạt được những kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, đã trả kết quả qua đường bưu điện 1.179 trường hợp, đạt tỷ lệ: 41,69% và 694 trường hợp thực hiện trực tuyến, đạt tỷ lệ: 24,54%. Sở Tư pháp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 46/119 thủ tục hành chính (TTHC), chiếm tỷ lệ 39%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 49/119 THTC chiếm tỷ lệ 41%. Kết quả, có 2 TTHC phát sinh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với 675 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 15,2%.

Theo ông Lê Thanh Trang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, thủ tục hành chính về lý lịch tư pháp được thực hiện trực tuyến ngày càng nhiều. Người dân đã dần quen cũng như nhận thấy sự thuận lợi khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thủ tục ngày càng được đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, khi làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp, người dân không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Việc sửa đổi, bổ sung này để đảm bảo phù hợp Luật Cư trú năm 2020 cũng như giảm bớt hồ sơ cho người dân.

Số hóa thủ tục hành chính

Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, UBND quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố năm 2021. Thành phố đã tích hợp 706 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 257 TTHC có thu phí, lệ phí, chiếm 58% TTHC có phí, lệ phí của thành phố. Đồng thời, khai thác sử dụng các chức năng của Cổng dịch vụ công quốc gia, như: chứng thực điện tử; tạo tài khoản công dân; xử lý hồ sơ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tra cứu thông tin thanh toán trực tuyến trên nền tảng Payment Platform... Có 699 cán bộ, công chức, viên chức thành phố được phân quyền khai thác, sử dụng các phân hệ của Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong quý III-2021, có 62 phản ánh, kiến nghị trên hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia (đã xử lý 55 phản ánh, kiến nghị và đang xử lý 7 phản ánh, kiến nghị); tổng số tiếp nhận, xử lý trên hệ thống dịch vụ công là 3.201 (đã xử lý 3.088, đang xử lý 113).

Hiện nay, hồ sơ giải quyết TTHC luôn được đồng bộ kịp thời từ Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Việc chứng thực hồ sơ điện tử đã được triển khai đồng bộ tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn với số hồ sơ chứng thực đạt 437 hồ sơ. Thành phố đang triển khai thực hiện rà soát kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực để tiến hành số hóa. Đến nay, đã rà soát được hơn 355.588 văn bản cần số hóa. Thành phố đang xây dựng phần mềm tích hợp vào hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố để thực hiện số hóa đạt tỷ lệ đề ra; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung cả nước...

Về hiện đại hóa hành chính nhà nước, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Thành phố đang xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và trình phê duyệt Đề án xây dựng thành phố phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia về chính phủ số; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...

Cũng theo ông Trần Việt Trường, thành phố cũng sẽ tích hợp các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung (người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, TTHC, danh mục dùng chung, hồ sơ điện tử) kết nối, chia sẻ, khai thác trên phạm vi toàn thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố gắn với việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC. Song song đó là tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động nhằm đáp ứng yêu cầu gửi nhận văn bản điện tử, giải quyết TTHC và ứng dụng trong giải quyết thực hiện trực tuyến được xác thực, nhanh chóng và an toàn... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giao dịch hành chính, chủ động đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết