|
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Ảnh: AFP |
Ngày 3-3, Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị mới tới Israel, đồng minh gần gũi của Mỹ ở Trung Đông, và sau đó là một số vùng lãnh thổ của Palestine. Mục tiêu của bà Clinton là tìm giải pháp tiến tới thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, trong bối cảnh đảng Likud cánh hữu của ông Benjamin Netanyahu đang xúc tiến thành lập chính phủ mới ở Israel, nhiều người dự đoán chuyến đi của bà Clinton khó đạt được bước tiến đáng kể nào.
Chuyến thăm 2 ngày của bà Clinton bắt đầu từ Jerusalem với các cuộc hội đàm cùng giới lãnh đạo Israel, và sau đó tới Bờ Tây gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trước khi đến Israel, bà Clinton nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ tiến tới thành lập một nhà nước Palestine độc lập, thúc đẩy hòa bình giữa Israel với các nước A-rập. Tại hội nghị quốc tế về viện trợ tái thiết Dải Gaza ở Ai Cập ngày 2-3, bà Clinton thông báo chính phủ Mỹ cam kết tài trợ 900 triệu USD với điều kiện viện trợ phải đi đôi với nỗ lực mới thúc đẩy hòa bình Trung Đông.
Hiện nỗ lực thành lập một liên minh cầm quyền rộng rãi ở Israel của cựu Thủ tướng Netanyahu đã thất bại sau khi Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Tzipi Livni, thủ lĩnh đảng Kadima theo đường lối trung dung, tuyên bố không tham gia chính phủ. Bà Livni cho rằng không thể chấp nhận quan điểm của ông Netanyahu về vấn đề Palestine. Điều đó đồng nghĩa với việc một chính phủ “diều hâu” sắp hình thành ở Israel, và khiến cho tiến trình hòa bình Trung Đông càng thêm trắc trở bởi hầu hết các đảng tham gia chính phủ đều phản đối chính sách “đổi đất lấy hòa bình” với Palestine.
Ngay trước thềm chuyến công du Trung Đông của bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom, nhân vật cấp cao của đảng Likud, đã tuyên bố rằng chính phủ mới ở nước này sẽ không cam kết theo đuổi mục tiêu về một nhà nước Palestine độc lập, mặc dù vẫn tiếp tục đối thoại với Palestine. Israel không đảm bảo trước về kết quả các cuộc đối thoại hòa bình với Palestine, như các chính phủ tiền nhiệm từng cam kết về giải pháp hai nhà nước do các cường quốc đặt ra kể từ hiệp ước Oslo năm 1993. Cần nói thêm là trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây, ông Netanyahu từng gây khó chịu cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton (phu quân Ngoại trưởng Hillary Clinton) khi trì hoãn tiến trình hòa bình Oslo.
Trong khi Mỹ chỉ trích việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, thì mới đây Bộ Nhà đất Israel cho biết chính phủ nước này có kế hoạch nâng gấp đôi số khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, với tổng cộng 570.000 căn nhà, trong đó có 73.000 căn mới được xây thêm. Hiện có gần 500.000 người Do Thái đang sống ở Đông Jerusalem và Bờ Tây. Các khu định cư này lâu nay vẫn là một trong những trở ngại chính đối với nỗ lực giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.
Trong bối cảnh như vậy, cũng là điều dễ hiểu nếu bà Clinton tay trắng rời Trung Đông.
N.MINH
(Theo AFP, Guardian, Jpost)