09/09/2019 - 08:29

Chuyện “cầm cân nảy mực” 

Gần đây, Nhiếp ảnh Việt Nam có rất nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật từ trung ương, địa phương đến ngành nghề… Bên cạnh chất lượng ảnh dự thi, điều nhiều người đang băn khoăn là chất lượng các vị giám khảo của các cuộc thi ấy, liệu có thực sự “cầm cân nảy mực”.

Gần nhất, tác phẩm đoạt Huy chương Vàng của Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL 2019 khiến nhiều người thắc mắc. Tác phẩm ghi cảnh các học sinh giờ ra chơi nắm tay tạo hình tròn, được chụp từ trên cao khá “sắp đặt”. Khoan bàn về tính nghệ thuật, nhiều ý kiến đặt vấn đề: nội dung tác phẩm như vậy liệu có xứng để Quán quân Liên hoan năm nay với chủ đề “Đất nước - con người ĐBSCL trên đường phát triển”? Nhiều người nói bức ảnh này “vô chủ đề”, nghĩa là chụp ở ĐBSCL cũng được mà TP Hồ Chí Minh, Tây Bắc, thậm chí bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được. Trong khi, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực là để tìm đặc trưng, bản sắc vùng miền.

Cần nâng chất công tác chấm chọn tác phẩm để nhiếp ảnh nghệ thuật được công chúng đón nhận. Trong ảnh: Khán giả đang xem triển lãm ảnh tại Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Trước đó ít ngày, Liên hoan Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Hồ Chí Minh 2019 cũng có “sóng gió” khi một tác phẩm dự thi của tay máy đến từ Quảng Ngãi đã vào sâu đến vòng triển lãm và chấm giải, bị phát hiện lấy một ảnh gốc từ nước ngoài để lắp ghép vào bức ảnh khác của mình. Sự “hòa tan” không minh bạch này qua mắt cả ban giám khảo nhưng đã bị nhiều người phát hiện.

Cũng cách đây chưa đầy tháng, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội 2019 bị chỉ trích khi tác phẩm đoạt Quán quân “Đem tiết xuân đến” được cho là quá tệ. Bức ảnh có bố cục, khoảnh khắc không có gì đặc sắc; lại mắc những lỗi rất sơ đẳng, nhất là 2 nhân vật trong ảnh đều nhắm mắt.

Sẽ khó mà kể hết những tai tiếng của các cuộc thi ảnh nghệ thuật thời gian gần đây. Suy cho cùng, nguyên nhân hình như vẫn là cái nhìn của giám khảo trong bình xét, chấm chọn và thẩm định tác phẩm. Điều này dẫn đến các tác phẩm chưa thật sự xứng đáng được tôn vinh mà sự hứng khởi, lòng tin của các nghệ sĩ nhiếp ảnh dần vơi cạn. Như với tai tiếng của Liên hoan Ảnh nghệ thuật truyền thống TP Hồ Chí Minh 2019 đã kể trên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Cao Kỳ Nhân đã quyết định rút khỏi cuộc thi dù anh có 2 ảnh được chọn vào triển lãm và xét giải. Anh chia sẻ trên facebook cá nhân: “Tôi nhận thấy ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi không tôn trọng thí sinh, những người bỏ công sức lao động nghệ thuật chân chính”.

Tại Đại hội Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam TP Cần Thơ vừa qua, vấn đề này cũng được đặt ra. Giải đáp, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thừa nhận đang xảy ra thực trạng này. Sắp tới, Hội sẽ tổ chức tập huấn công tác thẩm định nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội đồng nghệ thuật của Hội cũng sẽ được nâng chất hơn… Rõ ràng, đã đi thi, thí sinh gởi trọn niềm tin cho giám khảo. Vậy nhưng sự tắc trách của một số giám khảo nhiếp ảnh đang khiến nhiều người thất vọng. Ngay cả nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng chỉ rõ nhưng khiếm khuyết của nhiều giám khảo hiện nay: chưa cởi mở với cái mới; “mù” công nghệ xử lý ảnh; chưa am hiểu văn hóa các vùng miền.

Thế mới hay, làm người “cầm cân nảy mực” không hề dễ dàng một chút nào bởi đó là chấm chọn một tác phẩm nghệ thuật và đằng sau đó là công sức, tâm huyết, mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ. Trách nhiệm và năng lực là điều tiên quyết khi đồng ý làm giám khảo bất kỳ cuộc thi nào.

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết