16/05/2014 - 22:48

Chương trình tên lửa Iran cản trở đàm phán hạt nhân

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei kiên quyết bảo vệ chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.

Mặc dù đã giảm sắm sửa vật liệu chế tạo vũ khí để tránh lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, nhưng việc Iran theo đuổi mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo đang tạo ra thách thức lớn cho cuộc đàm phán hạt nhân giữa nước này và 6 cường quốc.

Hôm 11-5, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei mô tả mong muốn của phương Tây về việc Iran ngừng phát triển tên lửa là "ngớ ngẩn và khờ dại". Ông còn ra lệnh sản xuất hàng loạt vũ khí đạn đạo với giọng điệu thách thức ngay trước thời điểm diễn ra cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), bắt đầu từ ngày 14-5 tại Thủ đô Vienna của Áo.

Dẫn báo cáo do Ủy ban chuyên gia của LHQ vừa công bố, hãng tin Reuters cho biết nỗ lực thu mua vật liệu phục vụ chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran (vốn bị LHQ cấm) nhìn chung có giảm khi nước này theo đuổi đàm phán với 6 cường quốc và hy vọng sẽ sớm thoát khỏi các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ là ngoài hoãn phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Sejil, Iran không có dấu hiệu nào cho thấy họ ngưng mở rộng chương trình tên lửa của mình. "Iran đang tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và không gian. Một bệ phóng tên lửa mới nằm cách thành phố Shahrud 40km được phát hiện hồi tháng 8-2013. Một tổ hợp phóng tên lửa lớn hơn được cho là sắp hoàn thiện tại Trung tâm Không gian Imam Khomeini ở Semnan dành cho các tên lửa đạn đạo và thiết bị phóng vệ tinh"- báo cáo viết.

Tranh cãi về vấn đề tên lửa của Tehran đã nổi lên ngay trong ngày đầu tiên bắt đầu cuộc đàm phán. Phái đoàn Mỹ nói họ muốn đưa cả chương trình tên lửa đạn đạo lẫn tiềm năng quân sự của các nghiên cứu hạt nhân Iran ra thảo luận. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, khả năng phát triển vũ khí đạn đạo của Tehran phải được đưa vào đàm phán, bởi vì nghị quyết của HĐBA LHQ có nói "bất kỳ tên lửa nào có khả năng mang vũ khí hạt nhân đều phải được xem xét". Anh, Pháp, Đức đồng tình với quan điểm của Mỹ, nhưng Nga – nước có thỏa thuận hợp tác công nghệ tên lửa với Iran, thì không chấp nhận. Truyền thông Iran dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng vấn đề tên lửa của Iran không nên đưa lên bàn đàm phán. Lâu nay, Tehran luôn tỏ rõ quan điểm không nên đưa tên lửa vào chương trình nghị sự. Do đó, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif chỉ cười và phớt lờ các ý kiến của Mỹ.

Theo Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington (Mỹ), cách tốt nhất để kiềm chế Iran phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của họ minh bạch và bị giới hạn thích đáng. "Tìm cách hạn chế Iran phát triển vũ khí thông thường mà họ xem là quan trọng đối với khả năng phòng thủ của mình sẽ gây nguy hại đến mục tiêu chủ chốt của cuộc đàm phán" – ông Kimball nhận định.

Được biết, mục tiêu đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 là nhắm tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt những tranh cãi kéo dài quanh chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo (hạn chót là ngày 20-7), vốn có nguy cơ gây ra một cuộc chiến rộng lớn ở Trung Đông.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết