04/02/2019 - 08:31

Chung sức làm giàu 

Vào hợp tác xã (HTX) nông dân không còn chịu cảnh làm ăn đơn lẻ mà còn phát huy sức mạnh tập thể, chung sức chung lòng vươn lên làm giàu… Nhờ sự gắn kết này, nhiều HTX đã chuyển mình đi lên, “ăn nên làm ra”, nâng tầm hoạt động, góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.

HTX Nông nghiệp Thới Thạnh tập trung sản xuất theo quy trình an toàn để nâng giá trị  cho thương hiệu  “Cam xoàn Thới An-Ô Môn”.

Bước chuyển hợp tác

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phong trào thi đua phát triển kinh tế tập thể của TP Cần Thơ đã tạo bước chuyển quan trọng, ở mỗi lĩnh vực đều có những HTX kiểu mới “ăn nên làm ra”, vận hành tốt các dịch vụ hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thành viên, phát huy sức mạnh tập thể, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Một bước tiến lớn, thúc đẩy phát triển thành công các HTX ở Cần Thơ, chính là Ban Giám đốc HTX ngày càng nâng cao năng lực quản trị, chủ động tìm kiếm thị trường, hướng tới sản xuất hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường; đồng thời, định hướng hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Qua đó, không chỉ nâng cao trình độ canh tác cho nông dân mà còn giúp thành viên HTX dần dần thay đổi tư duy, tham gia vào HTX trên tinh thần hợp tác và chia sẻ lợi ích chung của HTX. Hiện nay, ở hầu hết “cánh đồng lớn” của các xã nông thôn mới đều có HTX điển hình, có diện tích sản xuất từ 300-1.000ha, vốn điều lệ từ 2-6 tỉ đồng, thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Liên minh HTX TP Cần Thơ tổ chức điểm trưng bày, giới thiệu hàng hóa cho các HTX tại trụ sở của Liên minh.

Để nhà nông chủ động với công việc đồng áng và không lo thiếu nhân công mỗi khi vào chính vụ, nhiều HTX nông nghiệp đã năng động phát triển các dịch vụ hậu cần, hỗ trợ nhà nông từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và bảo quản nông sản. Nổi bật là HTX nông nghiệp An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, vừa hợp tác canh tác lúa chất lượng cao, vừa tập hợp các thành viên có máy cày, máy gặt đập liên hợp hiện đại… cùng thực hiện các dịch vụ bơm tưới, cày xới, chăm sóc, thu hoạch. Để nâng chất lượng và giá trị hạt lúa làm ra, HTX đầu tư 4 lò sấy và 1 kho trữ lúa có công suất 1.300 tấn... Bước chuyển này không chỉ giúp HTX tạo gắn kết giữa các thành viên với nhau mà còn mở rộng liên kết với doanh nghiệp để cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ đầu ra ổn định cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Xuân, thành viên của HTX Nông nghiệp An Xuân, cho biết: Vào HTX, nông dân đã có “bà đỡ” là Ban Giám đốc HTX lo! Nông dân trồng lúa ở các “cánh đồng lớn”, bây giờ chỉ cần tập trung vào khâu chăm sóc lúa sao cho đạt năng suất và chất lượng tốt để bán được giá cao. Không những vậy, nhà nông được trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ cả đầu ra. Nhờ đó, thu nhập của nông dân trong HTX tăng lên và ngày càng yên tâm, chăm lo sản xuất.  

Đầu tư đúng hướng

Đầu tư sản xuất theo quy trình GAP kết hợp xây dựng thương hiệu gắn với địa danh của địa phương là giải pháp gia tăng giá trị cho trái cam xoàn được HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn hướng tới. Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết: Thương hiệu “Cam xoàn Thới An-Ô Môn” đạt chất lượng an toàn, với vị ngọt đặc trưng đã được khách hàng và nhiều doanh nghiệp biết đến. Thành quả này, chính là nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của 43 thành viên HTX, từ việc ứng dụng quy trình canh tác an toàn đến xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Thới An-Ô Môn”. Đặc biệt, khi tham gia các hội chợ nông nghiệp, hội nghị kết nối cung- cầu nông sản chủ lực trong và ngoài thành phố, nhiều đơn vị kinh doanh chuỗi siêu thị hay doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc ngỏ ý hợp tác.

Không chỉ làm giỏ hoa trồng kiểng hay cần xé theo đơn hàng, HTX Quốc Noãn, huyện Thới Lai còn năng động, mở rộng quy mô sang làm hàng thủ công mỹ nghệ theo xu hướng thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: “Sản phẩm đan lát thủ công ngày nay không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn là sản phẩm mang nét đặc trưng thu hút khách du lịch đến với TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL. Từ thực tế này, đã thôi thúc HTX liên kết cùng các điểm hoạt động kinh doanh du lịch, sản xuất các mặt hàng nông cụ nông nghiệp (nơm, lợp,… ) có tính trang trí, thích hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu thị trường. Theo ông Nguyễn Ngọc Nà, vụ Tết Nguyên đán năm 2019, HTX Quốc Noãn, huyện Thới Lai sản xuất trên 50.000 giỏ hoa, cần xé, chậu hoa kiểng các loại để cung cấp cho các điểm kinh doanh hoa kiểng tại TP Cần Thơ, tỉnh Bình Dương và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Hiện nay, với năng lực sản xuất trên 100.000 giỏ trồng hoa, 20.000 cần xé và hơn 10.000 giỏ xách và hàng trăm ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ,  HTX Quốc Noãn không chỉ tạo thu nhập tăng thêm cho các thành viên của HTX mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Trợ lực

 Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX thành phố đã phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ cho các HTX tham gia “Hội chợ Xúc tiến Thương mại cho các HTX năm 2018” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Qua đó, không chỉ giúp HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng và đối tác mà còn tạo cơ hội giao thương, kết nối cung - cầu giữa các HTX với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, Liên minh HTX thành phố còn tổ chức điểm trưng bày hàng hóa tại trụ sở của đơn vị để giới thiệu hàng hóa cho hơn 15 HTX và 5 doanh nghiệp trong và ngoài TP Cần Thơ. Hầu hết, các mặt hàng của các doanh nghiệp và các HTX, bày bán tại điểm trưng bày của Liên minh HTX đều được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Điểm trưng bày, vừa là nơi giúp người tiêu dùng tiếp cận được các mặt hàng nông sản an toàn, vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp và HTX tiếp cận và kết nối thị trường, tìm đầu ra cho nông sản an toàn.

Hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới đã giúp các HTX từng bước nâng cao năng lực nội tại. Điều cốt lõi là phát huy được sức mạnh tập thể, góp phần tạo dựng vị trí, thu nhập của người trực tiếp sản xuất trong chuỗi giá trị hàng hóa. Để mô hình HTX kiểu mới tạo sức lan tỏa, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Sắp tới, TP Cần Thơ sẽ chọn 3 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả để hỗ trợ, phát triển quy mô lớn, tạo cơ sở hình thành và phát triển các liên hiệp HTX. Trước tiên là hỗ trợ các HTX kết nối với các doanh nghiệp phân bón để HTX mua với giá gốc, chất lượng sản phẩm được đảm bảo và không qua khâu trung gian, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên… Từ đó, từng bước khẳng định vai trò của kinh tế tập thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết