14/07/2010 - 21:50

"Chúa sơn lâm" trước nguy cơ tuyệt chủng

“Ông ba mươi” đang đối mặt với tương lai
mờ mịt. Ảnh: AP

Từ ngày 12-7, đại diện 13 nước châu Á có hổ sinh sống gồm Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã nhóm họp tại Bali (Indonesia) trong 3 ngày nhằm bàn thảo kế hoạch và giải pháp bảo tồn “chúa tể rừng xanh” trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Đây là hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Hổ thế giới, dự kiến diễn ra tại St Petersburg (Nga) vào tháng 11 năm nay.

Theo thống kê mới nhất của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF), hiện nay toàn cầu chỉ còn 3.200 con hổ, giảm một cách báo động so với mức trên 100.000 con hồi đầu thế kỷ 20. Nếu các nước không có biện pháp can thiệp ngay tức khắc, WWF cảnh báo viễn cảnh tuyệt chủng của “chúa sơn lâm” là điều không thể tránh khỏi.

Theo Bộ Lâm nghiệp Indonesia, trước đây loài hổ có 9 phân loài nhưng nay chỉ còn 6 phân loài, gồm Sumatra, Bengal, Sibérie, Đông Dương, Hoa Nam và Mã Lai. 3 phân loài đã tuyệt chủng là Caspi, Bali và Java. Đáng chú ý, Indonesia – quốc gia sở hữu 12% tổng đàn hổ thế giới – nay chỉ còn sót lại 400 con hổ Sumatra và Trung Quốc còn vỏn vẹn 50 con thuộc 6 phân loài vừa kể. Thống kê của Bộ Lâm nghiệp Indonesia cho thấy môi trường sống của hổ ở nước này giảm chỉ còn 50% so với cách đây 25 năm.

Nguyên nhân khiến hổ trở nên khan hiếm là do thực trạng chặt phá rừng khiến môi trường sống tự nhiên của loài động vật hoang dã này ngày càng thu hẹp lại. Theo Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Indonesia, số cá thể hổ còn sót lại của nước này hiện đang được thả nuôi trong 20 khu rừng khác nhau nên việc bảo vệ chúng gặp nhiều khó khăn.

Song, mối đe dọa lớn nhất đối với “ông ba mươi” chính là nạn săn bắt và buôn lậu hổ tràn lan. Giá thành cao ngất ngưởng của các bộ phận trên cơ thể hổ luôn là động lực mạnh mẽ đối với các kẻ săn bắt. “Chúa sơn lâm” bị truy lùng ráo riết để lấy bộ lông vằn bán cho những người muốn may áo khoác hoặc làm đồ trang trí. Các bộ phận còn lại như xương, răng, móng vuốt... thì được đưa ra chợ đen để đáp ứng nhu cầu làm thuốc trị bệnh hoặc giúp tăng cường khả năng tình dục. Hầu hết sản phẩm này được đặt mua bởi khách hàng Trung Quốc. Mới đây, Ấn Độ bắt giữ một tàu chở hổ và các động vật đã xẻ thịt khác đến Trung Quốc tiêu thụ. Đây là chuyến tàu thứ 3 bị bắt và ước tính mỗi năm Ấn Độ có 30 con hổ tại các khu bảo tồn bị giết.

Để giải quyết thực trạng nhức nhối trên, tại cuộc họp về bảo tồn loài hổ diễn ra ở Washington (Mỹ) tháng 6 vừa qua, điều phối viên Joseph Vattakaven của WWF khẳng định trước hết cần chặn đứng nhu cầu tiêu thụ hổ ở Trung Quốc. Một đề xuất khác là thành lập nhóm tuần tra có vũ trang quanh các khu vực hổ sinh sống nhằm răn đe bọn săn bắt. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Động vật hoang dã Khao Nang Ram (Thái Lan), đề xuất này không khả thi do có thể gây hiệt hại về người nếu xảy ra xung đột.

Tại hội nghị ở Bali, Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Zulkifli Hasan kiến nghị chính phủ các nước cần mạnh tay với bọn lâm tặc và đề nghị hình phạt tối thiểu 5 năm tù cho hành vi hủy hoại môi trường sống của loài hổ. Bà nhấn mạnh các tay săn bắt hổ ngày càng tinh vi và trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Chúng luôn rình rập tại các khu bảo tồn hổ vì các qui định của luật pháp còn lỏng lẻo. Thế nên, để bảo vệ số hổ ít ỏi còn lại, các nước nên đề ra giải pháp nhằm đồng bộ hóa giữa chính sách, luật pháp và hành động. Hiện tại, 167 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật cấm săn bắt và buôn bán hổ. Theo bà Hasan, song song đó, các quốc gia nên lập các khu vực riêng dành cho hổ để chúng thoải mái đi lại, không sợ người và cũng không gây nguy hại cho người. Theo đại diện của Nepal, nếu được bảo vệ chặt chẽ và sống trong môi trường không bị quấy rầy, loài thú quí hiếm này có thể sinh sôi nảy nở và trong vòng 3-4 năm, số cá thể hổ sẽ tăng trở lại.

Trong khi đó, ngoài các chương trình cho vay ưu đãi nhằm phát triển tổng đàn hổ, Ngân hàng Thế giới (WB) đang khuyến khích các nước triển khai các dự án nghiên cứu về loài động vật đặc hữu của châu Á này. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đang có chương trình hỗ trợ các nước cải thiện mạng lưới đa dạng sinh học và thực hiện các chính sách nhằm quản lý và bảo vệ môi trường sống của loài cọp.

BẢO TRÂM (Theo AFP, Hindu, Jakarta Post, Telegraph)

Xuất xứ từ khu vực Đông và Nam Á, hổ là động vật có vú thuộc họ mèo và là loài lớn nhất trong số 4 loài “mèo lớn” (gồm hổ, sư tử, báo và báo đốm). Khi trưởng thành hổ có thể đạt chiều dài 3,3 m và nặng tới 300 kg. Sống trong môi trường tự nhiên, “ông ba mươi” có tuổi đời trung bình 10-15 năm nhưng có thể “thọ” đến trên 20 năm trong môi trường nuôi nhốt.

Mùa giao phối của cọp thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Sau thời gian hổ mẹ mang bầu 100-112 ngày, 2-3 con hổ con sẽ chào đời nhưng thường có một con chết non. Cọp mới chào đời không thấy đường, không thể làm được gì và mỗi con nặng khoảng 1 kg. Mỗi ngày hổ con có thể tăng trọng 100 gam. Thường khi được 18 tháng tuổi, hổ con có thể tự mình săn bắt mồi và thoát khỏi vòng tay của hổ mẹ lúc 2 tuổi rưỡi. Khoảng cách giữa những lần sinh thường là 20-30 tháng hoặc ngắn hơn nếu con non chết yếu ngay khi lọt lòng.

V.Q (Theo Wikipedia, tigerlearningzone)


Chia sẻ bài viết