02/04/2023 - 09:29

Chùa Phật Tổ ở Cà Mau 

Bài, ảnh: Huỳnh Hà

Nhắc đến chùa xưa miếu cũ ở Cà Mau, không thể nào không nói đến chùa Phật Tổ. Ðây là ngôi chùa xuất hiện từ khá sớm, lúc Cà Mau còn là một vùng đất hoang sơ. Hiện nay, chùa tọa lạc tại đường Rạch Chùa, khóm 3, phường 4, TP Cà Mau.

Một góc chùa Phật Tổ ở Cà Mau.

Theo lời kể được truyền qua nhiều thế hệ của các bậc cao niên gắn bó với chùa, khoảng năm 1840 khi Cà Mau còn là vùng đất lau sậy, có một thanh niên trẻ tuổi tên Tô Quang Xuân tìm đến bờ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, dựng một ngôi am nhỏ thờ phượng đức Quan Thế Âm. Tương truyền ông có lòng mộ đạo từ nhỏ, có thể tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Lúc dựng am, ông vừa tu vừa làm thuốc, xa gần bà con nghe tiếng đến cầu thuốc và học đạo với ông rất đông. Trong đó, có cả loài cọp. Hiện nay trong chùa vẫn còn tháp của vị đệ tử cọp ấy, đệ tử trong chùa gọi là Tháp Sư Cậu.

Trong vùng, xa gần bá tánh đóng góp nên dần dần ông Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ, mặt chính hướng về dòng kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp vốn bắt nguồn từ Ngã Bảy - Hậu Giang dài 60km, đoạn chảy về Cà Mau dài 12km, rộng 5m, sâu 2,5m, lối năm 1842 chùa quay mặt chính về hướng này. Bằng chứng là Tháp tổ Trí Tâm được xây ở phía trước chùa. Lúc bấy giờ, tiếng lành của ông được bà con trong vùng tìm đến rất đông. Tuy nhiên Hương hào Ðỗ Văn Viễn ghen ghét ông, đem chuyện làm thuốc của ông cũng như chuyện dựng chùa của ông tâu với quan trên tận Gia Ðịnh, nói rằng có tên Tô Quang Xuân - thế danh của Trí Tâm - lâu nay ẩn Vương nương Phật, chính thật là gian đạo sĩ. Quan trên từ Gia Ðịnh đã phái quân lính xuống tận vùng Cà Mau để bắt ông, đem về quản thúc. Sau đó ông bị giải về Huế. Tại Huế, ông thọ giới xuất gia với Hòa thượng ở chùa Kim Chưởng. Ðây cũng là điều lạ vì từ trước tới lúc dựng chùa ông chưa từng thọ giới. Tại Huế, huệ căn của ông được các vị cao tăng biết đến, tâu lên vua triều Nguyễn, lúc bấy giờ đang là năm Thiệu Trị thứ II (1842). Vua xuống chiếu sắc phong cho ngôi chùa của ông là Sắc Tứ Quan Âm cổ tự. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông mất. Hàn lâm viện theo chiếu chỉ của vua sắc phong ông làm Hòa Thượng, đồng thời ban gấm vóc và đưa về tận Cà Mau. Sau khi nhập tháp, người dân trong vùng tôn kính ông nên đã gọi ngôi chùa ông trụ trì là chùa Phật Tổ(1).

Chùa Phật Tổ được xây dựng lại từ đợt đại trùng tu ngày 4-4-1937. Ðến nay chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa. Chùa được xây theo kiến trúc trùng thiềm điệp ốc với các mái cong cổ kính phổ biến ở đình chùa Nam Bộ. Mái chùa lợp ngói máng có hình quả ấn được xây dựng sắc nét với sự mô phỏng mái đình ở Nam Bộ. Bên trong chùa được trang hoàng lộng lẫy. Bên phải (nhìn từ ngoài vào) là một đại hồng chung đen bóng, càng tôn thêm vẻ uy nghi của ngôi chùa. Trong chính điện thờ rất nhiều tượng Phật, đặc biệt là ở ngôi Tam bảo.

“Ngôi Tam bảo thờ nhiều tượng Phật lớn nhỏ, chia thành 3 tầng. Ðiện Phật được bài trí trang nghiêm, chính giữa đặt bộ tượng Di Ðà Tam Tôn gồm đức Phật A Di Ðà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Ðại Thế Chí. Phía trước là tượng Thất Phật Dược Sư, Bồ tát Chuẩn Ðề, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Ðịa Tạng và Bồ tát Di Lặc. Xung quanh án thờ ở ngôi Tam bảo trang trí hình ảnh tứ linh kết hợp đắp sứ vừa tạo thành bao lam quanh chính điện được bố trí theo nguyên tắc đăng đối của hội họa Á Ðông. Trên bao lam là bức tranh song hổ phi lộ. Bức tranh bát tiên cũng được thể hiện pha trộn giữa các điển tích dân gian. […] Phía trước và hai bên án thờ là hình ảnh đầu rồng đắp nổi, bên dưới là hình ảnh chim phượng đang dang cánh miệng ngậm quyển sách và hình ảnh đầu kỳ lân đạp cỏ, dưới cùng là hình ảnh rùa vàng trên lưng có Hà đồ. Ðây cũng là cấu trúc đặc sắc nhất trong kiến trúc trang trí của ngôi chùa. Tất cả tạo nên một nét hài hòa và tạo được sự đặc trưng cho ngôi Tam bảo trong hệ thống các bệ thờ khác”(2).

Ðối diện gian chính điện là một bức bích họa lớn vẽ hình đức Thích Ca dưới cội bồ đề có đệ tử quỳ dâng bình bát. Gian trung điện thờ bài vị của các vị trụ trì chùa đã khuất. Gian hậu điện là nơi thờ tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Tượng Phật này được đặt trong lồng kiếng để ngay giữa khuôn viên gian hậu điện.

Xung quanh chùa là một khoảng không rộng lớn, gồm nhiều cây cổ thụ xung quanh và một vườn tượng hết sức hoành tráng gồm tượng Phật nằm, vườn Lâm Tỳ Ni, Thích Ca tọa thiền… Ðặc biệt, “sau chùa có khu mộ tháp gồm ba ngôi. Tháp của Tổ Trí Tâm húy Tô Quang Xuân (Lâm Tế chính tông, đời thứ 37) mới lập bia năm 1969, tháp của Tổ Thiên Bửu - Khánh Hải (đời thứ 45), mất năm 1988. Giữa hai tháp Tổ là tháp mộ của ông cọp có tấm bia ghi Sư Cậu Tháp. Quanh khu tháp mộ này cảnh vẫn còn hoang vu, ta có thể đoán biết được nơi đây, xưa kia cây cỏ chắc chắn phải rậm rạp hơn nhiều. Chí tu hành của thầy Tô Quang Xuân cũng đáng để cho ta suy nghĩ. Chính vì vậy dân chúng mới tôn xưng thầy là Phật Tổ”(3).

“Hiện nay nhiều hiện vật như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác vẫn còn được lưu giữ, chứng nhận cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt có những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh - Hoa -  Khmer trên đất phương nam, trải dài đến tận mũi Cà Mau, nơi dừng lại của những bước chân vạn dặm”(4). Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy âm lịch, chùa tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu và lễ Vu Lan rất trọng thể. Mọi người từ khắp nơi đến viếng chùa, nguyện cho cuộc sống thanh bình, cơm no áo ấm, phúc lộc bình an.

Chùa Phật Tổ hiện tại là một trong những kiến trúc tôn giáo giữ được nguyên vẹn giá trị nghệ thuật của tỉnh Cà Mau. Do đó, ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 30/2000/QÐ-BVHTT ngày 24 tháng 11 năm 2000.l

--------------

(1) https://sites.google.com/site/banquanlyditichtinhcamau/home/ly-lich-cac-di-tich. Ngày truy cập 01/6/2020.

(2) Ngô Minh Hùng - Hoàng Minh Phúc (2021), “Chùa Phật Tổ - Cà Mau công trình kiến trúc tiêu biểu của người Việt ở Nam Bộ”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr.90.

(3) Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), “Những ngôi chùa ở Nam Bộ”, NXB TP Hồ Chí Minh,  tr.291.

(4) Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên) (2006), “Chùa cổ Việt Nam”, NXB Thanh Niên, tr.134.

Chia sẻ bài viết