17/09/2020 - 07:34

Chủ động trong sản xuất để thích ứng mùa “lũ cạn” 

Tháng 9-2020, nước sông Mekong chuyển màu đỏ đục phù sa về miền hạ lưu, báo hiệu mùa nước đổ bắt đầu. Tuy nhiên theo dự báo thủy văn của các cơ quan chuyên môn, năm nay lượng nước đầu nguồn Mekong không có lũ lớn, giảm lượng nước, phù sa về ĐBSCL, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. ĐBSCL đang cần giải pháp thích ứng “mùa lũ cạn”…

Lũ về muộn

Đã bước sang tháng 8 âm lịch (2020) nhưng mực nước trên sông, rạch tại địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) vẫn đang ở mức thấp, nước đổ về ít.

Đã bước sang tháng 8 âm lịch (2020) nhưng mực nước trên sông, rạch tại địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) vẫn đang ở mức thấp, nước đổ về ít.

Theo Ủy hội sông Mekong, từ đầu tháng 9-2020 đến nay, mực nước trên sông Mekong luôn ở mức thấp. Cụ thể, ngày 14-9-2020, tại Châu Đốc đo được vào lúc 7 giờ là 1,71m, Tân Châu là 1,64m (trong khi mực nước đạt báo động phải là 3m, đạt mức lũ là 4m)... So với cùng kỳ năm 2019, mực nước cùng thời điểm tại Châu Đốc là 2,67m, tại Tân Châu là 3,35m. Các nhà khoa học cũng nhận định: Đã đến tháng 8 âm lịch mà mực nước đổ về ĐBSCL qua trạm Tân Châu còn rất thấp. Lý do lượng nước từ sông Mekong về đồng bằng thấp một phần do lượng mưa ở phần trung du không nhiều nên lượng nước ít. Ngoài ra, khu vực vừa trải qua một mùa khô với mức hạn hán lịch sử khiến nhiều vùng trũng, hồ chứa và lòng đất thiếu hụt nước, lượng mưa phải bù cho các thiếu hụt này trước khi đổ về hạ lưu. Trong một thập niên qua, các số liệu về mức lũ lớn đổ về ĐBSCL cũng giảm đi, lũ trung bình và lũ nhỏ đang có xu hướng tăng lên.

Còn tại TP Cần Thơ, mực nước trên các sông, rạch ở mức thấp, có khả năng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tâm, một lão nông gắn bó với làng quê, sản xuất lúa 3 vụ trong năm tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “So với những năm trước, năm nay đã sang tháng 8 âm lịch nhưng nước vẫn còn thấp dưới kênh, rạch. Với kinh nghiệm của tôi, năm nay đồng bằng sẽ không có mùa nước đổ nhiều phù sa như trước. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, cần phải ứng phó để hạn chế thất mùa…”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Lượng nước lũ từ thượng nguồn về ít vào mùa mưa thì ĐBSCL sẽ ít dần hình ảnh mùa nước nổi. Điều này dẫn đến hệ lụy làm vùng đồng bằng đối mặt với khô hạn và xâm nhập mặn cao vào mùa khô kế tiếp, khi đó toàn bộ hệ thống canh tác sẽ bị ảnh hưởng và buộc nông dân, ngư dân phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, như: diện tích trồng lúa phải thu hẹp nhường đất cho những cây trồng ít cần nước hơn hoặc chuyển qua nuôi trồng thủy sản. Vấn đề cấp nước sinh hoạt cũng sẽ căng thẳng với nhiều thử thách, đặc biệt trong bối cảnh chất lượng nước kém đi, đồng bằng bị lún sụt và sạt lở gia tăng do việc hút nước ngầm quá mức và khai thác cát thiếu kiểm soát…

Ths. Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái vùng ĐBSCL, cho biết: Tình hình đỉnh lũ thấp ở ĐBSCL chủ yếu là do hiện tượng El Nino cực đoan gây mưa ít, sông thiếu nước. Về thủy điện, bản thân thủy điện không tiêu thụ nước, nhưng có 3 tình huống xảy ra. Vào những năm bình thường, thủy điện ít ảnh hưởng đến lượng nước về phía hạ lưu. Vào những năm mưa nhiều, thủy điện tích nước đến khi quá nhiều, xả ra thì gây lũ chồng lũ. Vào những năm khô hạn, thủy điện tích nước cho đủ độ sâu trong lòng hồ rồi mới xả để chạy turbine. Đập trên tích thì đập dưới chờ. Nếu có một chuỗi đập thì nước đi qua rất lâu. Do đó khi khô hạn thì thủy điện làm trầm trọng thêm tình hình. Ngoài ra, trong thập niên vừa qua có nhiều hồ thủy điện mới đưa vào vận hành và tích nước trong thời gian đầu cũng làm giảm lượng nước về hạ lưu. Ths. Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: “Từ đầu năm tới nay, lượng mưa ở lưu vực Mekong thấp do El Nino. Thêm vào đó, do mùa khô đầu năm nay hạn cực đoan, các hồ chứa thủy điện thiếu nước nên khi bắt đầu có mưa lại thì các hồ sẽ giữ lại đến đầy mới xả ra. Do đó cũng làm chậm dòng chảy nước về phía hạ lưu, dẫn đến “lũ cạn” ở ĐBSCL...”.

Ứng phó “lũ cạn”

Hiện nay TP Cần Thơ sản xuất lúa thu đông không còn bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Hơn nữa, hạ tầng thủy lợi được đầu tư tương đối đảm bảo phục vụ sản xuất lúa ở vùng ven phía Bắc TP Cần Thơ (vùng chịu nhiều tác động do lũ trước đây như huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt). Dự báo đỉnh lũ năm 2020 xuất hiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2020, vụ lúa thu đông 2020 tại TP Cần Thơ cơ bản thu hoạch dứt điểm nên không ảnh hưởng nếu nước lũ đổ về.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tuy nước lũ thấp không ảnh hưởng sản xuất lúa, nhưng tổng thể vùng sản xuất lúa ở TP Cần Thơ không lớn, khoảng 86.000ha/vụ. Vụ lúa đông xuân chính vụ dao động từ 82.000-84.000ha đến 85.000ha; phần diện tích còn lại trồng rau màu. Theo định hướng tới, diện tích sản xuất lúa của thành phố khoảng 82.000-85.000ha, sản xuất 3 vụ với sản lượng lúa khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Nếu lũ về ít, thành phố sẽ không tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) để cho một số diện tích đất nghỉ, bồi bổ hữu cơ hoặc chuyển đổi linh hoạt ở những vùng có điều kiện nhằm gia tăng lợi tức, ổn định sản xuất như: trồng rau màu, bắp, mè và sản xuất lúa giống cung cấp cho các tỉnh trong vùng. Ông Nguyễn Ngọc Hè nhận định: “Hiện nay nông dân đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất. Do đó, thời vụ sản xuất còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và thị trường. Riêng vụ lúa thu đông 2020, theo kế hoạch sản xuất khoảng 59.000ha, nhưng thực tế do lúa có giá nên nông dân giảm bớt trồng màu, tăng sản xuất lúa lên trên 68.700ha, tăng 16% so với kế hoạch… Mùa vụ thu hoạch cũng gặt hái hiệu quả khả quan”.

Theo cơ quan khí tượng Hoa Kỳ, từ tháng 9 sẽ có 65% khả năng xuất hiện La Nina, khi đó sẽ có mưa nhiều đến cuối năm. Trong tình hình này, các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục theo dõi lũ xuất hiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2020. Dù lũ muộn, ít nhưng mùa khô 2021 cũng sẽ không bị hạn mặn gay gắt như mùa khô 2020 vừa qua. Ths. Nguyễn Hữu Thiện nhận định: Những năm lũ nhỏ, vụ lúa thu đông sẽ ít ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, với lượng nước lũ ít ỏi, càng canh tác vụ thu đông trong đê bao khép kín, không cho đồng ruộng hấp thu nước lũ thì càng làm cho các vụ lúa tiếp theo thiếu nước, thiếu phù sa màu mỡ. Canh tác nhiều vụ thì đất mau cạn kiệt và về lâu dài phân bón sẽ không thể thay thế được phù sa để duy trì độ màu mỡ của đất… 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết