18/02/2017 - 16:23

Chủ động mở rộng thị trường

Năm 2017, Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đề ra chỉ tiêu tiếp nhận vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) từ 100-120 triệu USD, giá trị sản lượng công nghiệp ước đạt 1.445 triệu USD. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư hạ tầng tại các KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) chủ động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Phát triển thị trường

Hiện các KCN Cần Thơ có 220 dự án còn hiệu lực (208 dự án đang hoạt động, 6 dự án đang xây dựng, 6 dự án chưa triển khai). Các dự án thuê 326,45ha đất công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký 1,575 tỉ USD, vốn đầu tư đã thực hiện trên 928,8 triệu USD. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, các hoạt động thu hút đầu tư để lấp đầy các KCN tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của năm 2017. Thành phố đang đầu tư vào các ngành công nghiệp mang tính mũi nhọn, công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam.

Trong các KCN đang hoạt động, KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đã cơ bản lấp đầy, các DN hoạt động tương đối ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài thành phố. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Seavina, cho biết: "Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của hai công ty đạt 175 triệu USD, trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 145 triệu USD, xuất khẩu tôm đạt 30 triệu USD. Doanh thu từ chế biến thức ăn thủy sản đạt 2.000 tỉ đồng. Để sản phẩm vào được siêu thị tại các thị trường khó tính như Mỹ, công ty quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu chọn giống đến thức ăn, vùng nuôi và chế biến xuất khẩu. Quá trình sản xuất các đơn hàng này được phía đối tác giám sát nghiêm ngặt song công ty vẫn đảm bảo các yêu cầu đề ra".

Sau 10 năm hoạt động tại KCN Trà Nóc 2, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Southvina) hiện có trên 1.000 lao động thường xuyên, mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, cùng các phúc lợi xã hội khác. Bình quân mỗi năm công ty đạt kim ngạch xuất khẩu trên 40 triệu USD, nộp ngân sách trên 25 tỉ đồng. Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Southvina, năm 2017, công ty phấn đấu đạt doanh số 40 triệu USD và hiện đã ký kết được các hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6-2017. Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, công ty sẽ củng cố, kiện toàn hoạt động sản xuất của nhà máy chế biến, cải tiến thiết bị để tăng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Đầu tư chiều sâu

Năm 2017, mặc dù tình hình sản xuất còn không ít khó khăn song các doanh nghiệp trong KCN luôn chủ động vượt khó phát triển thị trường và có kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô, cho biết: "Năm 2016, doanh thu của công ty đạt xấp xỉ 900 tỉ đồng, xuất khẩu 18 triệu USD. Năm 2017, công ty phấn đấu mức doanh thu sẽ tăng từ 10-20% so với năm 2016". Hiện nay, tại miền Tây chỉ có các dự án sản xuất thép quy mô nhỏ, năng lực sản xuất chiếm 10% thị phần cả nước và chủ yếu là phục vụ tại chỗ. Theo ông Quang, công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy, quy mô dự án khoảng 400 tỉ đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển tại thị trường Campuchia.

Không ngừng cải tiến chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng là hướng đi phù hợp với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Southvina, cho biết: "Southvina đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Brazil. Thị trường này chiếm 60% tổng năng lực xuất khẩu của công ty, còn lại là Argentina, Mexico. Trong chiến lược phát triển thị trường, Southvina tập trung tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Công ty chú trọng cải tiến chất lượng, giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường tiềm năng tại Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á".

Các KCN Cần Thơ có gần 31.000 lao động đang làm việc. Trong đó, trên 26.700 lao động chính thức, còn lại là lao động thời vụ. Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn của các khách hàng khó tính, tay nghề của đội ngũ công nhân là rất quan trọng. Do đó, bên cạnh các chính sách giữ chân người lao động thông qua lương, thưởng, các doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở cho công nhân KCN. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, năm 2017, Ban tập trung vào các hoạt động hỗ trợ các chủ đầu tư KCN triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng trong KCN. Ban cũng đề xuất thành phố sớm kiến nghị Chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc thù cho phát triển các KCN; hỗ trợ nguồn vốn giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch, đáp ứng ngay nhu cầu cho các nhà đầu tư thuê. Bên cạnh đó, Ban sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn; vận động doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết