18/01/2021 - 10:47

Chủ động bảo vệ vườn sầu riêng đặc sản 

Đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020 gây thiệt hại lớn cho các vườn sầu riêng tại ĐBSCL là một bài học lớn khiến ngành chức năng và bà con nông dân không thể chủ quan. Và những ngày qua, nhiều nhà vườn tại Bến Tre, Tiền Giang mặc dù rất phấn khởi khi giá sầu riêng tăng cao kỷ lục nhưng vẫn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó khi mùa khô hạn 2021 đang đến gần.

Nhờ canh tác nghịch vụ sầu riêng của ông Mai Văn Âu chống chịu tốt với hạn, mặn.   Ảnh: BÌNH MINH

Nhờ canh tác nghịch vụ sầu riêng của ông Mai Văn Âu chống chịu tốt với hạn, mặn. Ảnh: BÌNH MINH

Khan hàng, giá cao

Những ngày qua, nông dân trồng sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vô cùng phấn khởi khi giá sầu riêng liên tục tăng. Ông Dương Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Toàn xã có hơn 153ha sầu riêng, đợt hạn mặn năm 2020 có hơn 3.200 cây sầu riêng từ 1-4 năm tuổi bị chết, buộc nhiều nông dân phải trồng lại sầu riêng mới để thay thế và khôi phục lại vườn.

Là một trong những nông dân trồng sầu riêng cho trái nghịch trúng giá, ông Dương Văn Tèo, ở ấp Phú Hòa, xã Ðông Hòa Hiệp, phấn khởi cho biết dù bị ảnh hưởng của hạn mặn nhưng nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại địa phương đã chủ động khôi phục, chăm sóc, dưỡng lại cây cho mùa vụ sau. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mà 5 công sầu riêng của ông thu hoạch được hơn 3 tấn trái. “Năm nay, sầu riêng nghịch mùa đang có giá khoảng 100.000 đồng/kg, tùy loại. Mức giá này rất cao nhưng không đủ hàng bán. Nhiều thương lái đến tận vườn đặt cọc mua nên vụ này gia đình tôi lời hàng trăm triệu đồng” - ông Tèo nói.

Tương tự tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nông dân hiện cũng không có sầu riêng để bán. Nhiều thương lái phải đến huyện Cái Bè thu mua sầu riêng rồi mang về đóng thùng đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Theo ông Ðặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, đợt hạn mặn vừa rồi, hàng loạt cây sầu riêng ở địa phương chết, suy kiệt nên không thể cho trái. Phần còn lại bà con nông dân đang tích cực phục hồi cây nên vụ này sầu riêng có giá hơn 100.000 đồng/kg nhưng bà con không có trái để bán.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có khoảng 14.000ha sầu riêng. Ðợt hạn mặn vừa qua có trên 10% diện tích vườn cây bị chết, số còn lại bị suy kiệt nặng 60-70%. Ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân cách phục hồi vườn cây, rửa mặn, chăm sóc hợp lý để sớm phục hồi.

Tại tỉnh Bến Tre, ông Lê Văn Ðơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết toàn huyện có khoảng 1.300ha sầu riêng, năng suất bình quân từ 15-20 tấn/ha, có vườn trúng lên tới 40 tấn/ha. Tuy nhiên, đợt hạn mặn năm 2020 làm diện tích trồng sầu riêng giảm xuống chỉ còn khoảng 1.000ha. Chỉ một số nhà vườn ứng phó hạn mặn tốt thì cây phục hồi nhanh, ra hoa và cho trái vụ nghịch, bán được giá cao.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Lê Văn Ðơn, đợt hạn mặn vừa rồi, các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhiều cây đang trong giai đoạn cho trái suy kiệt và chết. Ðây là bài học lớn cho chính quyền địa phương và nông dân trong phòng chống hạn mặn. Nhằm ứng phó với đợt hạn mặn năm nay, ngoài những công trình lớn của Nhà nước, người dân và chính quyền địa phương đang chủ động trữ nước ngọt ở hồ, mương… để phục vụ tưới tiêu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật như tăng cường bón phân hữu cơ, đậy cỏ trong vườn, hoặc chuyển đổi mùa vụ, không cho cây sầu riêng mang trái trong đợt hạn mặn. Huyện cũng thành lập Câu lạc bộ sầu riêng Chợ Lách với hơn 100 thành viên. Mô hình này không chỉ giúp bà con nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng mà còn giúp nhau nắm bắt kịp thời tin tức về hạn mặn để chủ động ứng phó.

Ông Ðặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, cho biết: Do sầu riêng là thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên dù khó khăn nhưng bà con nông dân không ai chuyển đổi sang cây trồng khác. Do đó, để chủ động ứng phó trong mùa khô hạn năm nay, ngành chức năng đã đầu tư xây dựng một số đập tạm, dẫn nước ngọt vào nội đồng để phục vụ tưới tiêu. “Rút kinh nghiệm đợt hạn mặn năm qua, hiện tại hầu hết các chủ vườn sầu riêng đều chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, đặc biệt là trữ nước ngọt trong ao hồ hay trải bạt cao su để trữ nước ngọt. Xã thường xuyên kiểm tra, vận động người dân gia cố lại các tuyến đê bao, cống bọng, không cho nước mặn xâm nhập, nghiên cứu làm các hồ tạm để trữ nước ngọt phục vụ tưới cây lâu dài, đặc biệt là vào cao điểm mùa khô” - ông Lâm nói.

Theo dự báo, đợt hạn mặn năm nay không dữ dội như năm 2020 nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi thực tế cho thấy tình hình hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp và xâm nhập sâu hơn vào nội đồng. Do đó, sự chủ động của các ngành chức năng và bà con nông dân sẽ giúp việc ứng phó với hạn mặn đạt hiệu quả cao, đồng thời bảo vệ an toàn cho vườn sầu riêng đặc sản.

Nông dân trồng sầu riêng né mặn được Thủ tướng khen

Ông Mai Văn Âu là nông dân tiêu biểu của xã Hiệp Ðức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, với kỹ thuật canh tác cây sầu riêng né hạn, mặn khá thành công. Ông Âu cho biết, hằng năm khi ăn Tết xong thì vùng trồng sầu riêng tại Cai Lậy có nguy cơ bị mặn xâm nhập. Do đó trước Tết, ông móc mương sâu, dự trữ nước đầy. Nước này trữ tưới kéo dài được gần 2 tháng, giúp cây sầu riêng “đứng vững” hơn. Từ tháng thứ ba đến tháng thứ tư là nhờ cỏ phủ gốc nên ông tưới nhỏ giọt cầm chừng giữ cây. Theo ông Âu, cần chú ý không nên để nước trong mương cạn. Do đó, khi mặn bắt đầu hạ còn 0,2-0,3‰ nên tiếp tục cho nước vào mương nhưng không tưới bằng nước này mà chủ yếu để rễ cây tự hút lên. Ngoài ra, cần sử dụng phân hữu cơ bón cho cây sau khi thu hoạch xong để đất tơi xốp, giữ nước tốt hơn và giúp cây sung sức, chống chịu với hạn mặn tốt hơn.

Vườn sầu riêng nghịch mùa của ông Tèo đang bán được giá cao. Ảnh: THANH NGUYÊN

Ngoài đảm bảo nước tưới, ông Âu còn chủ động trong lịch ra trái của cây sầu riêng. Theo ông Âu, thông thường nếu xử lý cho cây sầu riêng thu hoạch mùa thuận thì thời điểm cây mang trái thường rơi vào những tháng cao điểm của hạn, mặn. Lúc này cây sẽ không đủ sức chống chịu với khô hạn kéo dài khi nước mặn tấn công, trái sẽ rụng, chết cây hoặc chất lượng trái giảm rõ rệt, như: cơm không vàng, không có cơm, múi lép… Do đó, nếu được sẽ xử lý nghịch vụ để kết thúc mùa thu hoạch vào khoảng tháng 10-11 âm lịch, để cây có thời gian phục hồi, sẽ có thể chống chịu tốt với hạn mặn khi mùa khô đến.

Trong đợt khảo sát cây sầu riêng ở xã Hiệp Ðức vào cuối tháng 9-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi và đánh giá cao sự sáng tạo của bà con nông dân trồng sầu riêng vùng Cai Lậy, trong đó có ông Âu, khi thực hiện kỹ thuật canh tác nghịch vụ, né được nước mặn, mang lại giá trị cao. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng địa phương chuyển giao, phổ cập kỹ thuật này để rải vụ, nhất là cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

BÌNH MINH

THANH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết