16/09/2012 - 16:48

Huyện Vĩnh Thạnh

Chủ động bảo vệ lúa thu đông

Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao chủ động bảo vệ diện tích lúa thu đông.

Để sản xuất lúa thu đông 2012 thắng lợi, ngoài việc khuyến cáo nông dân lựa chọn giống phù hợp, gieo sạ tập trung, đồng loạt để phòng chống dịch bệnh..., ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh còn đẩy mạnh công tác kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, giúp nông dân chủ động bảo vệ diện tích lúa trong mùa mưa, lũ…

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa thu đông 2012, toàn huyện đã xuống giống trên 9.701 ha, tập trung ở các xã Thạnh An, Thạnh Lợi, Thạnh Thắng, Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ…, tăng khoảng 1.000 ha so vụ thu đông năm 2011. Cơ cấu giống chủ yếu là OM4218, OM2517, OM5451, IR50404… trong đó, giống OM2517 và OM4218 chiếm số lượng khoảng 60% diện tích. Hiện nay, các trà lúa chủ yếu ở các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ và một số đang bước vào thu hoạch.

Theo ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là mưa, lũ vào cuối vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa thu đông 2012. Ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Để vụ lúa thu đông đạt được kết quả khả quan, ngành nông nghiệp huyện đã theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và chỉ đạo nông dân xuống giống ở những khu vực có đê bao vững chắc, đảm bảo an toàn. Ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân tuân thủ cơ cấu giống và lựa chọn các loại giống ngắn ngày, có khả năng chống đổ ngã, năng suất ổn định... Song song đó, ngành cũng vận động nông dân gieo sạ đồng loạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Đặc biệt, hướng dẫn nông dân điều tiết liều lượng nước, phân, thuốc phù hợp với đặc tính của các giống lúa nhằm hạn chế diện tích lúa bị đổ ngã trong mùa mưa bão. Đồng thời, theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, cháy bìa lá, sâu cuốn lá... nhằm đưa ra dự báo kịp thời, hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trị phù hợp và hiệu quả.

Để giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo như: tập huấn đầu vụ, tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học, hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp phòng trừ dịch hại trên lúa... cho bà con nông dân. Chủ động ứng phó với mưa, lũ, đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với trạm thủy lợi tại các địa phương thường xuyên kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, đề ra những giải pháp chủ động xử lý kịp thời tình huống xấu xảy ra.

Ông Trương Kịp, ngụ ấp Qui Lân, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết vụ lúa thu đông rơi vào mùa mưa, lũ nên có nhiều khả năng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, ông đã chủ động chọn cơ cấu giống và lựa chọn thời điểm gieo sạ thích hợp, kết hợp ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Hiện tại, 17 công lúa của ông trong vùng đê bao của xã Thạnh Mỹ đang phát triển khá tốt, còn khoảng 10 ngày sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo ông Kịp, để "ăn chắc" vụ lúa này, ngoài việc áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, ông còn chủ động thăm đồng thường xuyên, theo dõi dịch bệnh trên lúa để kịp thời phòng trị, theo dõi mực nước lũ tại các bờ bao xung yếu quanh ruộng... để kịp thời khắc phục, bảo vệ lúa.

Theo ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, xây dựng kế hoạch bảo vệ diện tích sản xuất lúa thu đông và hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi trước mùa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vụ lúa thu đông là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Hiện tại, huyện đã đưa vào sử dụng 10 công trình thủy lợi, với khối lượng 493.921m3, đạt 99,69% kế hoạch. Ngoài ra, huyện cũng đã tiến hành thi công các công trình, tôn cao bờ bao tại các địa phương. Song song đó, thành lập đội xung kích phòng chống lụt, bão, trang bị đầy đủ phương tiện cho những vùng đê bao xung yếu. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến đê bao xung yếu còn lại, hoàn chỉnh dự án xây dựng trạm bơm, chuẩn bị các phương tiện, máy móc để thực hiện phòng chống khi có tình huống ngập úng, sạt lở... xảy ra. Ngành nông nghiệp còn vận động nông dân tại các xã sản xuất lúa thu đông chuẩn bị phương tiện, máy móc… để bảo vệ diện tích lúa được thu hoạch an toàn. Thêm vào đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân tổ chức tốt khâu thu hoạch nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch…, giúp bà con nông dân sản xuất vụ lúa thu đông đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: M.Hoa

Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao chủ động bảo vệ

Chia sẻ bài viết