Thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt Nabucco dài 3.300 km đi từ khu vực Biển Caspie qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Tây Âu với chi phí ước tính 10,7 tỉ USD có thể sẽ được Ankara và Liên minh châu Âu (EU) ký kết vào trung tuần tháng 7 tới, theo hãng tin Anh Reuters. Sau đó, EU sẽ tiến hành đàm phán với một loạt đối tác Trung Á, như Turkmenistan, Azerbaijan, Kazakhstan và thậm chí là Iran để đảm bảo khả năng cung cấp 31 tỉ mét khối khí đốt/năm cho “đường ống trong mơ”, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, dự án mà ngay từ đầu đã bị các chuyên gia môi trường cảnh báo là bất khả thi này (do bất lợi về kết cấu địa chất) một lần nữa bị những “gáo nước lạnh” từ Nga và Trung Quốc tạt vào.
Số là ngày 29-6, nhân chuyến thăm Azerbaijan của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, tập đoàn khí đốt Gazprom đã ký thỏa thuận mua của công ty năng lượng quốc gia Azerbaijan 500 triệu mét khối khí đốt/năm, giao từ đầu năm 2010 và có thể sẽ được tăng lên sau đó. Là quốc gia giàu dầu khí, Azerbaijan là đối tượng lôi kéo của Mát-xcơ-va và phương Tây kể từ sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ năm 1991. Hồi năm ngoái, Azerbaijan sản xuất 22,8 tỉ mét khối khí đốt và dự kiến sẽ nâng lên gần gấp đôi, khoảng 40 tỉ mét khối vào giai đoạn 2015-2020.
Còn Turkmenistan ngày 24-6 đã ký hợp đồng có thời hạn 30 năm bán cho Trung Quốc 40 tỉ mét khối khí đốt/năm. Lượng khí đốt này sẽ được cung cấp từ đường ống dài 7.000 km (dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay) đi từ Turkmenistan qua Trung Quốc. Từ trước tới nay, hầu hết khí đốt của Turkmenistan được xuất khẩu sang Nga, chỉ có một phần nhỏ xuất qua Iran, nhưng từ đầu năm nay Nga cắt bớt lượng khí đốt nhập khẩu từ nước này do nhu cầu và giá khí đốt trên thị trường châu Âu sụt giảm. Quốc gia Trung Á này có trữ lượng khí đốt ước tính hơn 20.000 tỉ mét khối. Được biết, để có hợp đồng kể trên, Bắc Kinh đã đồng ý cho công ty khí đốt quốc gia Turkmenistan vay ưu đãi 4 tỉ USD.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Kazakhstan Aset Magauov hôm 25-6 tuyên bố nước này không có đủ nguồn cung cấp để tham gia vào dự án Nabucco, đồng thời cho biết ưu tiên của Kazakhstan là phát triển đường ống khí đốt xuyên Biển Caspie và xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm ngoái, nước này đã triển khai xây dựng đường ống dài 1.300 km để kết nối đường ống xuyên Trung Á với Turkmenistan và Uzbekistan đến Trung Quốc. Hiện tại, Kazakhstan bán cho Gazprom 8 tỉ mét khối khí đốt/năm và sẽ cung cấp 30 tỉ mét khối cho Trung Quốc khi đường ống khí đốt trên hoàn thành vào năm 2013.
Rõ ràng, dự án Nabucco dù có được Thổ Nhĩ Kỳ và EU ký kết thì cũng khó nhận được sự đảm bảo nguồn cung từ các nước Trung Á, và vì thế sẽ khó thuyết phục các tập đoàn khí đốt châu Âu tham gia đầu tư. Nga và Trung Quốc, thông qua các thỏa thuận khí đốt mới với Azerbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan, xem ra chẳng khác nào đang chọc gậy bánh xe dự án Nabucco mà phương Tây đặt rất nhiều kỳ vọng.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, AP, RIA Novosti)