10/03/2009 - 20:36

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam:

Chợ gạo Thốt Nốt sẽ góp phần đảm bảo tiêu thụ lúa gạo, nâng cao lợi nhuận cho nhà nông ở ĐBSCL

UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản chấp thuận chủ trương giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam (LTMN) tiếp nhận đầu tư, kinh doanh chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo tại quận Thốt Nốt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty LTMN, nhận định:

- Chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt, (gọi tắt là chợ gạo Thốt Nốt) nằm ở vị trí tiếp giáp tam giác 3 tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và một số tỉnh thành có diện tích trồng lúa lớn khác như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng... Nếu xét về mặt vị trí địa lý thì khó có nơi nào sánh bằng. Lâu nay chúng ta thường nói chỉ có giảm bớt khoảng cách khâu trung gian thì mới nâng cao được lợi nhuận cho người nông dân, chợ gạo Thốt Nốt được hình thành chính là giải pháp rút ngắn khâu trung gian một cách hữu hiệu. Tại chợ gạo này dự kiến sẽ hình thành các khu giao dịch với nhiều hình thức khác nhau như: mua bán trực tiếp, bán đấu giá, buôn bán kỳ hạn, bán hàng qua điện thoại, Internet... Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, kho dự trữ khoảng 200.000 tấn, sân phơi, máy sấy, nhà máy chế biến... nhằm giúp nông dân và cả doanh nghiệp có chỗ nơi để mua bán sản phẩm của mình làm ra hoặc trữ lúa, gạo lại khi giá cả chưa hợp lý. Nói chung chợ gạo Thốt Nốt đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong giải quyết tốt đầu ra cho hạt gạo ĐBSCL. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sớm đưa chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt đi vào hoạt động, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 600 tỉ đồng để đầu tư và đang phối hợp cùng chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục tiếp nhận, giải phóng mặt bằng để kịp khởi công xây dựng vào giữa năm nay và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2010.

* Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đến cầu cảng xuất khẩu chưa thuận lợi lắm, ông có băn khoăn về vấn đề này?

- Vận chuyển gạo không phải chịu sức ép về mặt thời gian như mặt hàng thủy hải sản, trái cây... nên thông thường chúng tôi chọn vận tải thủy là chủ lực. Hiện nay, luồng sông Hậu vẫn có thể lưu thông được tàu khoảng 5.000 tấn và sắp tới khi được nạo vét sẽ có thể lưu thông tàu trên 10.000 tấn, do đó về đường vận chuyển cũng không có gì đáng lo ngại. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ xây dựng cầu cảng có thể bốc dỡ hàng hóa cho tàu 4.000-5.000 tấn tại chợ gạo này để phục vụ cho việc xuất hàng đi. Vấn đề chúng tôi đang băn khoăn là chợ gạo Thốt Nốt tuy thuộc địa bàn TP Cần Thơ nhưng có tính chất phục vụ cho cả vùng ĐBSCL và cũng đã được Chính phủ đưa vào chương trình phát triển chợ đến 2010, nhưng diện tích chỉ 23 ha là chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong tương lai.

Bốc xếp gạo tại Cảng Cần Thơ.
Ảnh: PHÚ KHỞI

* Được biết, Tổng công ty LTMN đang khai thác kinh doanh 3 chợ đầu mối nông sản tại ĐBSCL. Xin ông cho biết hiệu quả của các khu chợ này và kế hoạch khai thác kinh doanh chợ gạo Thốt Nốt có gì khác hơn so với 3 khu chợ hiện có?

- Hiện nay, Tổng công ty LTMN đang khai thác, kinh doanh 3 chợ nông sản là: chợ Phú Cường tỉnh Tiền Giang (4ha), chợ Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp (7ha) và chợ Hậu Thạnh Đông tỉnh Long An (3ha). Quy trình vận hành chung cho các chợ này là: khi nông dân sản xuất ra nông sản thì vận chuyển đến các khu chợ này để giao dịch mua bán, khi chưa được giá thì có thể phơi sấy tại chỗ, trữ lại tại các kho và nếu có yêu cầu chế biến hay bán gạo thì Tổng công ty cũng sẽ đáp ứng cho bà con. Nhìn chung các giao dịch tại chợ này hầu như là “mua tận gốc, bán tận ngọn”, bà con nông dân không phải mất thêm chi phí qua hàng chục trung gian như bán tại nhà, hay tại ruộng. Chợ gạo Thốt Nốt cũng sẽ hoạt động theo mô hình này, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu 4 nhà ngay đầu mỗi vụ sản xuất nhằm định hướng cơ cấu giống, tập huấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

* Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Tổng công ty LTMN và Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải đảm nhận mua hết lúa hàng hóa cho nông dân với giá cả đảm bảo nông dân có lợi nhuận. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng công ty LTMN đã có kế hoạch gì trong thời gian tới và chợ gạo Thốt Nốt có vai trò như thế nào trong kế hoạch này, thưa ông?

- Sản lượng thu mua và chế biến của Tổng công ty LTMN hàng năm tại ĐBSCL khoảng 6 triệu tấn lúa, do đó chúng tôi có nhu cầu rất lớn về mặt bằng thuận lợi cho việc thu mua lúa, tồn trữ lúa gạo tại ĐBSCL. Kế hoạch của Tổng công ty LTMN là đến 2011 sẽ hoàn chỉnh hệ thống kho lúa gạo có sức chứa 1,5 triệu tấn tại ĐBSCL với số vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này hệ thống kho lúa gạo tại ĐBSCL của doanh nghiệp mới đạt 856.000 tấn. Như vậy, từ nay đến năm 2011, doanh nghiệp cần xây dựng kho chứa thêm khoảng 650.000 tấn nữa, chủ yếu tập trung trên địa bàn TP Cần Thơ, mà trọng tâm là ở tại Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Sông Hậu và chợ gạo Thốt Nốt. Có được hệ thống kho chứa đạt yêu cầu là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực hiện việc thu mua hết lúa hàng hóa cho nông dân. Như tôi đã nói, chỉ có giao dịch tại các chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo thì nông dân mới hạn chế được các chi phí trung gian, đảm bảo được lợi nhuận cao. Do đó, có thể nói chợ gạo Thốt Nốt cũng như 3 chợ nông sản hiện có giữ vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua hết lúa hàng hóa và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

* Xin cảm ơn ông!

HUỲNH VĂN (thực hiện)

Bốc xếp gạo tại Cảng Cần Thơ. Ảnh: PHÚ KHỞI

Chia sẻ bài viết