Hôm qua 7-10 là tròn 10 năm ngày liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công chế độ Taliban, mở màn cuộc chiến tại Afghanistan. Đã một thập niên trôi qua với biết bao hao tổn về nhân lực và tài lực, NATO vẫn không thắng nổi Taliban.
Tại thành phố Lashkar Gah ở miền Nam, cứ đúng 8 giờ tối hàng đêm, các tín hiệu điện thoại di động lại biến mất. Dưới áp lực của Taliban, những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông buộc phải tắt hết các trạm thu phát tín hiệu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều khu vực khác.
Tỉnh Wardak là một trong những nơi gần như bị Taliban chiếm đóng. Tại đây, điện thoại di động bị tắt 15 tiếng mỗi ngày. Khi điện thoại bị tắt, những người chỉ điểm không thể cung cấp thông tin cho NATO về hoạt động của Taliban, và NATO cũng không thể dùng thiết bị nghe lén để xác định vị trí của quân nổi dậy. “Mục tiêu chính của chúng ta là làm giảm khả năng của kẻ địch trong việc truy tìm các chiến binh của chúng ta”, Zabiullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban tại phía Đông và Bắc Afghanistan nói. Nhưng hiệu ứng rộng hơn chính là khiến dân chúng cảm thấy rằng Taliban, chứ không phải chính phủ, đang kiểm soát khu vực.
Taliban ngắt sóng điện thoại bằng cách đe dọa ném bom hoặc đốt các trạm thu phát tín hiệu, đồng thời cảnh cáo công nhân nào dám quay lại sửa chữa các trạm này (đó là chưa nói đến việc sửa chữa mỗi trạm như vậy phải tốn tới 200.000-250.000 USD). Một lãnh đạo giấu tên của Etisalat, một trong 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính ở Afghanistan, cho biết công ty này chịu áp lực từ Taliban phải tắt các tín hiệu điện thoại tại thành phố Kandahar, một trong 3 đô thị lớn nhất nước, và bị đe dọa sẽ đốt trạm, bắt cóc và giết hại các nhân viên nếu không thực hiện theo yêu cầu.
Tuy nhiên, phá sóng viễn thông chỉ là một phần trong việc thay đổi mạnh mẽ chiến lược của Taliban, trong đó tập trung vào đe dọa người dân và tiến hành các vụ ám sát có chọn lọc. Trong khi thường né tránh các cuộc chạm trán qui mô lớn với lực lượng NATO, Taliban và các đồng minh trong Mạng lưới Haqqani lại đẩy mạnh phá hoại cuộc đàm phán hòa bình của chính quyền Tổng thống Hamid Karzai với một số nhân vật Taliban ôn hòa, và tìm đường dần trở lại nắm quyền khi lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút quân khỏi nước này.
Các vụ tấn công như vụ bắn rốc-két vào Tòa đại sứ Mỹ ở Thủ đô Kabul vào ngày 13-9 vừa qua cho thấy Taliban đã đưa chiến trường vào các thành phố, nơi NATO khó mà sử dụng không lực do e ngại gây thương vong cho thường dân.
Tương tự như thế, vụ ám sát cựu Tổng thống Burhanuddin Rabbani, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan, hôm 20-9 không chỉ khẳng định việc Taliban từ chối tiến trình hòa bình, mà còn muốn “nhắc nhở” người dân về khả năng Taliban sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử đất nước khi quân đội ngoại bang không còn ở đây.
Các nhà phân tích cho rằng việc thay đổi chiến lược của Taliban có thể nhằm bảo tồn lực lượng cho đến khi toàn bộ binh sĩ NATO rút hết vào cuối năm 2014, trao quyền kiểm soát lại cho lực lượng an ninh sở tại. Hiện có nhiều người Afghanistan đang ngã về phía Taliban, bởi cho rằng chính phủ có thể không bảo vệ được họ một khi lực lượng NATO rời đi.
LÊ THÁI (Theo NYT)