25/08/2013 - 10:03

Chiến lược “Đại Trung Đông” của Mỹ đã thất bại

Người biểu tình Ai Cập giơ cao hình ảnh phản đối Tổng thống Mỹ Barack Obama trước dinh tổng thống ở Thủ đô Cairo. Ảnh: AP

Đó là nhận định của Giáo sư James Clarke Chace thuộc trường Đại học Bard (Mỹ) trong bài viết đăng trên tờ Nhật báo Phố Wall hôm 23-8.

Dựa trên kế hoạch được phác thảo, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama có ý dùng sách lược bắt tay với các nhóm Hồi giáo ôn hòa như đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của Ai Cập để “gầy dựng một Trung Đông dân chủ hơn”.

Theo đó, Mỹ trước tiên sẽ dàn xếp với các bên để thu hẹp khoảng cách giữa thế giới Hồi giáo ôn hòa và Washington. Kế đến là chứng minh rằng các nhóm này có thể mang lại nền hòa bình dân chủ, qua đó cô lập triệt tiêu những phần tử khủng bố và cực đoan trong thế giới Hồi giáo. Cuối cùng, lực lượng Hồi giáo ôn hòa với sự hỗ trợ của Mỹ sẽ được dựng lên với vai trò mang tính cách mạng, đem lại nền dân chủ, cải thiện kinh tế - xã hội, từng bước xóa bỏ bóng tối khủng bố ở Trung Đông. Điều quan trọng là chính quyền Tổng thống Obama hy vọng sự thành công của chiến lược “Đại Trung Đông”, đồng thời nâng cao vị thế của đảng Dân chủ trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng thật không may là chiến lược của Mỹ đang gánh lấy thất bại khi tình hình Iraq vẫn chưa sáng sủa, nội chiến đẫm máu ở Syrie đang lan sang Liban trong khi Ai Cập đứng trên bờ vực của chiến tranh với tình trạng bạo lực giữa lực lượng quân đội và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ngày một leo thang.

Theo đó, Giáo sư Chace cho rằng kết cục như hiện nay là do Nhà Trắng đã mắc phải 5 sai lầm lớn trong những hoạch định về tình hình khu vực bất ổn này. Trước tiên, Mỹ đã không bao quát hết được tầm trưởng thành về mặt chính trị và khả năng của các nhóm Hồi giáo mà nước này đang hỗ trợ. Ngoài ra, Washington cũng không nhận định đúng về tình hình chính trị ở Ai Cập, về tác động của chiến lược trong quan hệ với hai đồng minh khu vực quan trọng nhất - Israel và Arabie Seóudite. Thêm vào đó, Nhà Trắng cũng không thể nắm bắt động thái mới từ các phong trào khủng bố trong khu vực và quan trọng hơn nữa là đã đánh giá thấp “cái giá phải trả” cho việc im lặng trước cuộc nội chiến ở Syrie.

Chính sách Trung Đông của Mỹ những năm qua phụ thuộc vào niềm tin rằng phong trào chính trị Hồi giáo ôn hòa trong khu vực đã trưởng thành về mặt chính trị và có đủ năng lực để điều hành chính phủ. Điều này đúng một phần trong trường hợp ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chính phủ của Thủ tướng Erdogan bề ngoài vẫn cho thấy khả năng quản lý đất nước hiệu quả và dân chủ. Tuy nhiên, theo thời gian mọi thứ đang bộc phát theo xu hướng không thể kiểm soát khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “trở nên rối trí khi đối mặt với những rắc rối xuất hiện ngày càng nhiều”.

Riêng về tình hình Ai Cập, Nhà Trắng cùng chính sách đối ngoại của mình được cho mắc sai lầm nghiêm trọng khi hiểu sai bản chất biến động chính trị ở nước này. Sau làn sóng “Mùa xuân A-rập” lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, Ai Cập giờ đây lại đang đứng trước bờ vực nội chiến, trong khi Mỹ và châu Âu vẫn không ngừng thúc đẩy một quá trình chuyển đổi dân chủ “vốn không tồn tại”. Một lỗi khác nữa là chính quyền Tổng thống Obama không đoán định được tác động sâu rộng của sách lược “Đại Trung Đông” trong mối quan hệ với Israel và Arabie Seóudite, cũng như đánh giá thấp những trở ngại mà Mỹ có thể phải đối mặt ở khu vực bất ổn này nếu cả hai đồng minh “tức giận”.

Ngoài ra, sau “bước ngoặt” tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, Washington được cho là đã “ngủ quên trong chiến thắng” khi xem thường sự hồi sinh và khả năng thích ứng của các nhóm khủng bố nhỏ lẻ cùng các phần tử cực đoan. Điều này được nhìn thấy rõ ràng khi hoạt động khủng bố đang có xu hướng lan rộng ở Libye, Mali, miền Bắc Nigeria, Syrie, Iraq, Yemen và một số nơi khác. Đặc biệt với động thái cho đóng cửa 20 đại sứ quán hồi đầu tháng này, Mỹ đang biểu hiện nước này vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ từ hoạt động của các nhóm khủng bố.

Hơn tất cả, việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng nghiêm trọng ở Syrie hiện là vấn đề khiến Washington “đau đầu” khi nguy cơ bất ổn có thể lan sang Iraq, Liban và thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi vị thế của Mỹ đối với các đồng minh quan trọng khu vực đang ngày càng xuống dốc.

Mặc dù vậy, Giáo sư Chace cho biết còn quá sớm để đưa ra kết quả về chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama vẫn còn đến 41 tháng - còn đủ để thay đổi đáng kể hình ảnh Trung Đông với điều kiện ông chủ Nhà Trắng phải thay đổi phương thức tiếp cận vấn đề. Với những bài học trong 4 năm rưỡi qua, tác giả cho rằng chính quyền Obama trước tiên phải có giải pháp thiết thực lấy lại vị thế ở Trung Đông và xu hướng liên minh chính là chìa khóa hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

VI VI (Theo WSJ)

 

Người biểu tình Ai Cập giơ cao hình ảnh phản đối Tổng thống Mỹ Barack Obama trước dinh tổng thống ̖

Chia sẻ bài viết