15/05/2009 - 08:36

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa phê chuẩn Chiến lược an ninh quốc gia từ nay đến năm 2020. Theo báo Nước Nga Ngày nay, văn kiện này bắt đầu được xây dựng từ tháng 9-2008, tức ngay sau cuộc xung đột quân sự với Gruzia tại Nam Ossetia kết thúc, và hoàn thành vào cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev chưa vội ký trước khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Luân Đôn hồi tháng 4. Cuộc gặp đó có thể đã khiến văn kiện này được lược bớt những thông điệp quá cứng rắn đối với Washington. Tuy nhiên, nếu như Chiến lược an ninh quốc gia năm 2000 coi chủ nghĩa khủng bố và ly khai tại Chechnya là thách thức an ninh chính yếu nhất, thì chiến lược mới xác định mối đe dọa nghiêm trọng nhất là sự mất cân bằng về khả năng quân sự giữa Nga và Mỹ, trong khi nguồn tài nguyên dầu khí trên quy mô toàn cầu đang cạn dần có nguy cơ làm gia tăng xung đột quân sự.

Nga cho rằng một trong những thách thức hàng đầu đối với an ninh nước này từ nay đến năm 2020 là chính sách “bá chủ quân sự của một số nước lớn” kích thích cuộc chạy đua vũ trang mới thông qua việc phát triển vũ khí chiến lược quy ước và hạt nhân, đơn phương phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và quân sự hóa không gian. Vì thế, Nga ít nhất cũng phải duy trì cán cân vũ khí chiến lược nhằm đối phó với hệ thống tên lửa đạn đạo và khái niệm tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong nửa ngày theo học thuyết quân sự mới của Mỹ. Chiến lược an ninh mới cũng phản đối kế hoạch của NATO kết nạp những nước từng nằm trong không gian Xô-viết như Gruzia và Ukraina, đồng thời tố cáo âm mưu “gánh vác trách nhiệm toàn cầu” của liên minh quân sự do Washington chi phối. Tuy vậy, Nga chủ trương xây dựng “đối tác chiến lược toàn diện và bình đẳng với Mỹ dựa trên những nền tảng cùng có lợi”. Nga cũng muốn cùng Mỹ xây dựng lòng tin, cắt giảm vũ khí chiến lược, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hợp tác chống khủng bố và giải quyết các cuộc xung đột khu vực.

Liên quan đến vấn đề dầu khí, chiến lược mới nhận định các vùng biên giới gần Nga và các quốc gia đồng minh của Nga có thể đối mặt với những cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên năng lượng trong tương lai gần. Viễn cảnh này có thể xảy ra tại Trung Đông, Biển Barents, Bắc Cực, Biển Caspie và Trung Á. Ngoài năng lượng, Nga cho rằng các cuộc tranh chấp vì lương thực, nước ngọt và đất đai có thể gia tăng tại một số khu vực. Vì thế, Nga sẽ tăng cường lực lượng quân đội tại các vùng biên giới để chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn, đồng thời có thể ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới như ma túy, buôn lậu...

Bên cạnh những thách thức về an ninh quân sự, chính trị và tài nguyên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng được coi là một mối đe dọa trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga. Rồi chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, bất bình đẳng xã hội, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tội phạm trên mạng, thiếu thốn thuốc men và lương thực cũng là những nguy cơ đáng quan tâm. Do đó, Nga chủ trương tăng cường sự hợp tác giữa kinh tế nhà nước và tư nhân trong các ngành công nghiệp then chốt, tập trung hỗ trợ các dự án công nghệ cao, đẩy mạnh chống tham nhũng... với mục tiêu đưa Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2020.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Russiatoday, Reuters, Guardian, AP)

PHÚC NGUYÊN (Theo Russiatoday, Reuters, Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết