07/12/2021 - 10:56

Chiến đấu cơ Rafale đắt hàng 

Việc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chi gần 19 tỉ USD trong thỏa thuận mua vũ khí với Pháp không chỉ là cột mốc “lịch sử” với nhà thầu quốc phòng Dassault Aviation, mà còn khẳng định thành công liên tục của chiến đấu cơ được mệnh danh “phượng hoàng bầu trời” Rafale trong ngành công nghiệp vũ khí, tờ France 24 nhận định.

Chiến đấu cơ Rafale trong một lần cất cánh. Ảnh: AP

Chiến đấu cơ Rafale trong một lần cất cánh. Ảnh: AP

Hôm 3-12, UAE đặt mua 80 chiến đấu cơ đa năng Rafale theo thỏa thuận ký giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thái tử Mohammed Ben Zayed của Tiểu vương quốc Abu Dhabi. Hai bên còn đạt thỏa thuận khác, trong đó Pháp bán 12 trực thăng chiến đấu Caracal do hãng Airbus chế tạo cho UAE.

Được biết, thương vụ mua chiến đấu cơ Rafale được đàm phán trong hơn 13 năm và trải qua 3 đời Tổng thống Pháp (Nicolas Sarkozy, Francois Hollande và Emmanuel Macron). Do đó, thành công này được coi là tin tốt về mặt ngoại giao, quốc phòng và kinh tế đối với ông Macron trước thềm bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 4-2022. Riêng với Dassault Aviation, đây là lô bán tiêm kích Rafale lớn nhất lịch sử, củng cố thêm danh tiếng “phượng hoàng” ngành hàng không quân sự của dòng máy bay chủ lực trong lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp.

“Phượng hoàng tái sinh”

Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung, cánh tam giác, hai động cơ rất linh hoạt và hiệu quả. Là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 tiên tiến nhất vào thời điểm ra mắt, Rafale trang bị nhiều loại vũ khí với tổng trọng lượng lên tới 9.500kg, vượt tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga mang tối đa 8.000kg vũ khí. Trong các trận không chiến giả định, nhiều chiến đấu cơ hàng đầu thế giới lần lượt thua trước F-35 của Mỹ và chỉ duy nhất Rafale có thể thắng trong một số tình huống nhất định.

Tuy vậy, Rafale kể từ khi tham gia thị trường xuất khẩu vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong các nguyên nhân chính là do chúng rất đắt, thậm chí đắt hơn tiêm kích tàng hình F-35. Được biết, giá của một chiếc Rafale 10 năm tuổi lên tới khoảng 100 triệu USD/chiếc, trong khi hàng mới dao động từ 260 đến 268 triệu USD/chiếc. Với giá khá “chát”, các quốc gia gần như không ưu tiên “phượng hoàng” của Pháp. 

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, Rafale thường xuyên thắng thầu ở nước ngoài và trở thành đối tượng được quan tâm sau khi chứng tỏ được khả năng trong hoạt động thực chiến ở Libya, Afghanistan, Mali cũng như chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Năm 2012, Dassault Aviation có chiến thắng đầu tiên trong cạnh tranh trên thị trường nước ngoài khi được chọn cung cấp 126 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ. Năm 2016, hai bên đạt thỏa thuận cung cấp lô 36 chiếc và chiếc đầu tiên đã được bàn giao cho New Delhi vào năm 2019 . Dassault Aviation cũng có nhiều cuộc đàm phán thành công với Qatar kể từ năm 2011. Trong thỏa thuận ký vào năm 2015, quốc gia Trung Đông đồng ý mua 24 chiếc Rafale và đã nhận chiếc đầu tiên hồi năm 2019. Danh sách khách hàng nước ngoài của Rafale tiếp theo còn có Ai Cập, Hy Lạp, Croatia và mới rồi là UAE.

Hiện số lượng máy bay Rafale được bán ra nước ngoài là 236 chiếc, cao hơn so với 192 chiếc ở trong nước. Theo tuyên bố của Dassault Aviation, hãng đang tham gia các chương trình đấu thầu của Lực lượng Không quân Tây Ban Nha, Phần Lan và Thụy Sĩ. Kết quả chưa xác định nhưng máy bay Pháp vẫn có cơ hội thắng. Dassault Aviation cũng đang đàm phán bán lô 36 chiếc Rafale cho Indonesia và nếu thành công, đây sẽ là hợp đồng quan trọng mang lại cho tập đoàn này khách hàng hoàn toàn mới.

Vũ khí địa chính trị?

Ngoài được đánh giá cao về năng lực, máy bay Pháp còn có ưu điểm về mặt chiến lược. Tương tự các vũ khí Nga, Rafale có thể thêm tính năng tích hợp, cho phép đa dạng hóa hệ thống chiến đấu với các trang thiết bị quốc phòng của nước khác. Dựa vào điều này, chuyên gia vũ khí Alexandre Vautravers cho biết Rafale là lựa chọn tối ưu cho những nước muốn giảm phụ thuộc vào khí tài quân sự Mỹ, đặc biệt khi đối mặt các lệnh cấm vận từ Washington. Việc UAE ký hợp đồng với Pháp sau khi kế hoạch mua máy bay F-35 từ Mỹ không mấy suôn sẻ được ví như cơ hội để Rafale xâm nhập thị trường tiềm năng ở vùng Vịnh.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết