20/03/2017 - 08:51

Chia sẻ lợi ích để liên kết “4 nhà” vững chắc

Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã có những cuộc bứt phá ngoạn mục, nhưng những thành tựu này chưa đem lại lợi ích xứng đáng cho người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm. Con đường đưa nông sản ra thế giới còn lắm nhọc nhằn. Mới đây, tại hội nghị liên kết tiêu thụ doanh nghiệp- nông dân do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức, các chuyên gia cho rằng, phải thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, doanh nghiệp (DN) và nhà quản lý, nhà khoa học cùng bắt tay vào để tạo nên liên kết "4 nhà" vững chắc.

Gập ghềnh liên kết

 Người dân quan tâm các sản phẩm gạo sạch được trưng bày, giới thiệu tại Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, hiện nay, thành phố duy trì và mở rộng được 92 cánh đồng lớn, diện tích 19.872 ha; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiền sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác, cơ sở sản xuất rau an toàn, mở rộng vùng sản xuất lên 227,3ha; hình thành những vùng sản xuất tập trung cây ăn trái đặc sản, như: xoài, sầu riêng, vú sữa, dâu Hạ Châu… Trên cây lúa, tính riêng vụ đông xuân 2016-2017, có tổng số 14 lượt DN, HTX và cơ sở sản xuất lúa giống tham gia bao tiêu 6.899ha (chiếm 35% diện tích thực hiện cánh đồng lớn); diện tích này tăng so với vụ đông xuân trước (chỉ 33,7% diện tích cánh đồng lớn, tương ứng 6.002ha). Trên rau màu, 3 HTX rau an toàn: Hòa Phát, Long Tuyền, Phúc Thạnh gia nhập CLB hỗ trợ nông gia. Sở NN&PTNT thành phố đã triển khai và hình thành 7 điểm bán hàng nông sản có sự kiểm soát tại 6 chợ. Trên cây ăn trái, chủ yếu kênh tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào thương lái, qui mô liên kết nhỏ. Hơn nữa, nhiều nông dân chưa quen với sản xuất theo hợp đồng đang là khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp.

Trên thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích liên kết "4 nhà", với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, để tạo dựng thương hiệu nông sản. Song, hơn 10 năm qua, điệp khúc "được mùa rớt giá, giá cả vật tư đầu vào cao, lợi tức của người nông dân bằng 0, do lấy công làm lời…" lặp lại liên tục. Ngay cả đối với sản phẩm có ưu thế tuyệt đối "một mình một chợ" cũng vướng phải tình trạng này. Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Cây lương thực- thực phẩm (Cục Trồng trọt), dẫn chứng: "Thế giới có nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo, tổng sản lượng lúa toàn cầu khoảng 550 triệu tấn/năm; lượng gạo lưu thông trên thị trường thế giới khoảng 42 triệu tấn/năm. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu trong tốp 3 thế giới, nhưng năng lực cạnh tranh còn nhiều vấn đề phải xem lại. Hãy nhìn đến 5-10 năm nữa, sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ đi tới đâu, để có chiến lược đúng. Bởi dân số tăng, nhưng nhu cầu gạo ăn có thể không tăng, một phần do nhiều quốc gia nhập gạo giờ đang bắt đầu tự túc, nhu cầu gạo trên bàn ăn của một số quốc gia đang giảm". Theo ông Tùng, các nước xuất khẩu gạo kiểm soát rất tốt vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và gạo của họ chất lượng tốt, có thương hiệu. Nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất cũ, kiểm soát cho được dư lượng thuốc BVTV để giảm giá thành sản xuất, chỉ cần giảm giá thành 200 đồng/kg lúa, cả DN và nông dân đều có lợi.

Sản xuất trong nền kinh tế thị trường, buộc phải theo quy luật cung- cầu, nhưng nhiều HTX, DN cho biết con đường liên kết rất gập ghềnh, nông dân và DN chưa gặp nhau bởi chưa giải quyết được vấn đề chia sẻ lợi ích. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc HTX Nông sản xanh Cần Thơ, cho rằng: "Hội nhập, chúng tôi không thể ngồi trông chờ vào sự hỗ trợ từ nhà nước, mà tự thân phải vận động để nắm bắt cơ hội. Khi triển khai bao tiêu nông sản cho nông dân, HTX vướng rất nhiều vấn đề. Nông dân nghĩ làm theo tiêu chuẩn của HTX thì giá phải cao, vì vậy khi bao tiêu ở Cần Thơ và nhiều địa phương khác, HTX và nông dân không gặp nhau". Theo ông Cung, HTX vừa dự kiến triển khai bao tiêu 200ha lúa cho nông dân tại tỉnh Sóc Trăng, thương thảo hết mức cũng chỉ ký được 26,3ha. Diện tích ký bao tiêu này đã có sự giúp sức của chính quyền xã, huyện, chính quyền thuyết phục nông dân làm theo tiêu chuẩn HTX đưa ra, nếu năng suất thấp hơn cách sản xuất truyền thống, ngân sách sẽ bù khoảng thiếu hụt đó. "Nhà quản lý nhiệt tâm thì làm sao HTX bỏ hợp đồng được, giá nào cũng phải theo, nhưng HTX cần nông dân ủng hộ"- ông Cung nói.

Bỏ lối tư duy sản xuất cũ

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để tránh tình cảnh "được mùa, rớt giá" và tăng thu nhập cho nông dân, hội nhập bền vững phải từ bỏ lối sản xuất cũ. Tận dụng và khai thác tối đa lợi thế tài nguyên để phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng, thâm canh, chuyên canh hợp lý. "Nên hỏi khách hàng cần mua hàng hóa gì, hơn là tôi có hàng này anh có mua không? Khi nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường thì chỉ đạo sản xuất, khuyến nông, các hoạt động hỗ trợ khác cũng cần theo nhu cầu đó. Chỉ khi nông dân chủ động làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ và thích ứng tốt với quy luật cạnh tranh của thị trường. Xây dựng được mối quan hệ hợp tác phát triển "máu thịt" với DN trong liên kết sẽ giải quyết được tình trạng bán như cho, không có lãi, không có thu nhập"- ông Quỳnh nói.

Ví von về câu chuyện hội nhập, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nói: "Trong một lần đi giảng kiến thức về hội nhập, tôi hỏi anh Chủ tịch xã có biết TPP là gì không. Anh ấy vô tư trả lời: là "thực phẩm phụ". Lẽ đó, tuyên truyền về hội nhập cần cụ thể, thay đổi tư duy không chỉ cho nông dân mà còn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý. Song song đó, DN cùng ngành hàng phải đồng lòng để liên kết, nếu duy trì kiểu tư duy làm ăn cá thể rất dễ làm triệt tiêu động lực hội nhập và nguy cơ thua ngay trên sân nhà, do mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau". Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, mỗi quốc gia có quy định khác nhau về dư lượng thuốc BVTV. Trong vai trò dẫn dắt liên kết, DN cần tìm hiểu thông tin để hướng dẫn nông dân thực hiện đúng, tránh tồn đọng dư lượng khi đưa sản phẩm vào chế biến, xuất khẩu.

Là DN có kinh nghiệm trong liên kết "4 nhà", ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, chia sẻ: "DN đã bao tiêu lúa cho nông dân từ năm 2011 đến nay. Trong liên kết "4 nhà", nông dân và DN là chủ thể chính, còn nhà nước, nhà khoa học là người đồng hành. Chúng tôi yêu cầu nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, làm theo DN, vì DN biết thị trường cần gì. Công ty đã thành lập cả phòng trồng trọt để theo nông dân trên từng cánh đồng liên kết, hướng dẫn mua vật tư nông nghiệp ở nhà cung cấp do Trung An lựa chọn và cách ly thời gian sử dụng thuốc BVTV để không còn dư lượng khi thu hoạch lúa. Rất khó khăn để thuyết phục nông dân, nhưng phải làm, để xuất khẩu gạo không bị trả về vì dư lượng thuốc BVTV". Theo ông Bình, DN phải chấp nhận thiệt thòi để hỗ trợ nông dân có lời, để họ cung ứng cho DN sản phẩm sạch, đảm bảo số lượng. Lẽ đó, gạo chất lượng cao của Trung An xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khó tính khác với giá xuất rất cao, đủ khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan. 

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết