27/05/2016 - 08:37

Chỉ khác cách cho

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa đến Ethiopia, bắt đầu chuyến thăm 3 nước châu Phi, gồm Ethiopia, Uganda và Kenya. Chuyến đi của bà Park đang được dư luận trong và ngoài xứ kim chi quan tâm, tin rằng sẽ mang đến mô hình mới và khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế đang phát triển từ chính kinh nghiệm của quốc gia châu Á một thời nghèo khó.

Nhật báo KoreaJooongang cho biết sự hiện diện của bà Park tại 3 nền kinh tế lớn nhất ở Đông Phi sẽ gởi thông điệp "từ nghèo khó đến giàu có", nghĩa là từ một nước nhận viện trợ trở thành quốc gia tài trợ. Từ một nước có GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 67 USD năm 1953 và còn phải nhận viện trợ 12,7 tỉ USD hồi cuối những năm 1990, vươn lên thành con rồng châu Á với GDP bình quân đầu người năm 2014 là 28.000 USD.

Phái đoàn 111 doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ là những đại sứ thực hiện các dự án hợp tác kinh tế và viện trợ phát triển theo nhu cầu của từng quốc gia châu Phi. Ngoài các dự án theo tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, nguồn lực viện trợ được tăng cường của Hàn Quốc cho châu Phi sẽ tập trung vào lĩnh vực y tế, lương thực, văn hóa và giáo dục. Châu Phi là nơi nhận vốn viện trợ phát triển (ODA) lớn thứ hai của Hàn Quốc năm 2013.

KoreaJoongang cho rằng chuyến thăm châu Phi của bà chủ Nhà Xanh nằm trong "xu thế chung" của các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng cách viện trợ mỗi nước khác nhau. Viện trợ phát triển của Mỹ thường song hành với thúc đẩy dân chủ. Trong khi đó, Trung Quốc giúp xây dựng kết cấu hạ tầng để đổi lấy thị trường cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa và thậm chí thỏa hiệp chính trị…

Cũng nhân chuyến thăm lần này, theo kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc, bà Park muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác quân sự với châu Phi. Mục tiêu chính của Seoul là có thể hạn chế một số quốc gia nơi đây, đặc biệt là Uganda, nhập khẩu vũ khí và được huấn luyện quân sự từ Triều Tiên. Đây là một trong những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn nguồn thu nhập tài chính của Bình Nhưỡng mà Seoul cho là dùng để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết