13/07/2017 - 16:16

Chế độ thai sản được qui định như thế nào?

Hỏi: Tôi mới đi làm được 1 năm, đã qua thời gian thử việc, hiện đã ký hợp đồng làm việc 2 năm với công ty. Tôi muốn hỏi trường hợp của tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Thời gian được nghỉ và các chế độ tôi được hưởng như thế nào?

Nguyễn Thị Lan (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ trả lời như sau:

Căn cứ theo Nghị định số 152/2006/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thì chế độ thai sản được tính với các đối tượng sau đây: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là công nhân quốc phòng, công nhân công an làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, công trình ở nước ngoài.

Về điều kiện được hưởng chế độ thai sản: Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp người lao động đủ điều kiện quy định như trên nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Về thời gian hưởng chế độ thai sản: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con của lao động nữ phụ thuộc vào điều kiện lao động, tình trạng thể chất và số con một lần sinh, cụ thể là: 4 tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường; 5 tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên; 6 tháng đối với lao động nữ là người tàn tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên. Trường hợp sinh một lần từ 2 con trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc theo quy định thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, lao động nữ được nghỉ thêm 30 ngày. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chết thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ như sau: Con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con; Con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 30 ngày tính từ ngày con chết. Thời gian nghỉ việc quy định tại khoản này không vượt quá thời gian nghỉ sinh con quy định như trên và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng hàng năm theo quy định của pháp luật về lao động.

Về mức hưởng chế độ thai sản: Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định như trên có mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con, khi sinh con hoặc nuôi con nuôi trước 4 tháng tuổi.

Như vậy, nếu bạn đáp ứng đầy đủ điều kiện như trên sẽ được hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ theo quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

V.L (thực hiện)

Chia sẻ bài viết