Các nhà khoa học quốc tế vừa giới thiệu một chế độ ăn được khẳng định là có thể cải thiện sức khỏe con người, đồng thời đảm bảo sản xuất lương thực bền vững để hạn chế thiệt hại thêm cho Trái đất. Đây là kết quả của một dự án kéo dài 3 năm được bảo trợ bởi tạp chí y khoa uy tín The Lancet, với sự tham gia của 37 chuyên gia đến từ 16 quốc gia.
Ưu tiên tiêu thụ rau quả, các loại đậu và hạt thay vì thịt đỏ sẽ giúp bảo tồn sức khỏe nhân loại và hành tinh.
Theo nhóm nghiên cứu, chế độ ăn “lý tưởng” cho hành tinh yêu cầu giảm tiêu thụ một nửa lượng thịt đỏ và đường, nhưng tăng gấp đôi trái cây, rau củ và các loại hạt. Chế độ ăn này cho phép một người dung nạp trung bình 2.500 calorie/ngày, có thể dùng 1 phần thịt và 2 phần cá mỗi tuần, nhưng hầu hết nguồn đạm còn lại phải đến từ các loại hạt và đậu. Mỗi người được uống 1 ly sữa hoặc ăn một ít phô mai hay bơ mỗi ngày, nhưng chỉ dùng 1-2 quả trứng/tuần. Đặc biệt, mỗi khẩu phần phải chứa 1/2 rau củ và trái cây cùng 1/3 ngũ cốc nguyên hạt.
Nhìn chung, thành phần của chế độ ăn “lý tưởng” cho hành tinh có sự tương đồng với các chế độ ăn nổi tiếng có lợi cho sức khỏe khác, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải (chứa hàm lượng cao trái cây, rau củ, đậu, các loại hạt, dầu ô liu và cá) và chế độ ăn Okinawa (chứa nhiều rau quả, ít thịt, ngũ cốc tinh chế, đường, muối và sữa béo) của người Nhật Bản.
Các tác giả cho hay dân số thế giới dự kiến cán mốc 10 tỉ người vào năm 2050. Sự tăng trưởng đó, kết hợp với cách ăn uống và thói quen sản xuất thực phẩm hiện nay của chúng ta sẽ "làm tăng rủi ro cho con người và hành tinh". “Thực phẩm mà chúng ta ăn và cách sản xuất ra chúng quyết định sức khỏe của cả con người và hành tinh, nhưng chúng ta đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng” - Giáo sư Tim Lang tại Đại học Luân Đôn (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo. Ông nhận định việc nuôi sống 10 tỉ người vào năm 2050 với một chế độ ăn lành mạnh và bền vững sẽ là chuyện “bất khả thi” nếu không thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện sản xuất lương thực và giảm chất thải thực phẩm.
Tuy vậy ở từng khu vực cụ thể, những thay đổi trong chế độ ăn mới sẽ rất đáng chú ý. Đơn cử, người dân Bắc Mỹ ăn gấp 6,5 lần lượng thịt đỏ được khuyến nghị trong chế độ ăn “lý tưởng” cho hành tinh, trong khi người dân Nam Á chỉ ăn phân nửa lượng thịt đỏ được đề nghị. Tương tự, để đáp ứng nhu cầu dung nạp rau củ chứa tinh bột như khoai tây và khoai mì, người dân khu vực Hạ Sahara châu Phi cần thay đổi nhiều, bởi họ tiêu thụ trung bình gấp 7,5 lần số lượng được khuyến nghị.
Nghiên cứu phát hiện 1 tỉ người trên Trái đất đang bị suy dinh dưỡng trong khi 2 tỉ người khác tiêu thụ quá mức thực phẩm kém lành mạnh. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết nhiều bệnh mãn tính đe dọa tính mạng con người đều liên quan đến chế độ ăn kém lành mạnh - bao gồm béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng và một số loại ung thư. Thậm chí, cách ăn uống này hiện được xem là nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh và tử vong cao hơn cả hành vi quan hệ tình dục không an toàn, rượu bia, ma túy và thuốc lá. Nhưng nếu áp dụng chế độ ăn mới trên toàn cầu, nhóm nghiên cứu khẳng định nó có thể ngăn chặn từ 10,9-11,6 triệu trường hợp chết sớm mỗi năm - tương đương 19-23,6% ca tử vong ở người trưởng thành, đồng thời cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, bảo tồn đất đai, nước sạch và tính đa dạng sinh học cho Hành tinh Xanh.
Dù vậy, nhóm tác giả thừa nhận không dễ khiến tất cả mọi người tuân theo chế độ ăn có lợi cho hành tinh, một phần là do sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân. Do đó, để thúc đẩy cư dân Trái đất tuân thủ chế độ ăn “lý tưởng” cho sức khỏe con người và hành tinh, các chuyên gia đưa ra 5 chiến lược cần thực thi gồm:
1. Khuyến khích mọi người ăn uống lành mạnh hơn để tránh thừa cân hoặc suy dinh dưỡng.
2. Chuyển từ sản xuất nông sản theo số lượng sang ưu tiên chất lượng và giàu dinh dưỡng.
3. Thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững hơn, chẳng hạn giảm trợ giá cho ngành sản xuất thịt và hạn chế sử dụng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật từ hóa chất.
4. Siết chặt các quy định về quản lý đất đai và tài nguyên biển, ví dụ như cấm khai hoang mở rộng diện tích đất trồng trọt hoặc ngưng trợ cấp nghề cá để ngăn tình trạng đánh bắt hải sản tràn lan.
5. Giảm thiểu chất thải thực phẩm, bằng cách cải thiện khả năng dự báo sản lượng mùa vụ và tiếp cận thị trường ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời nâng cao nhận thức trong thói quen mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng ở các nước có thu nhập cao.
AN NHIÊN (Theo AFP, Guardian)