28/02/2021 - 21:09

Chạy... tiêm vaccine COVID-19! 

Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai rầm rộ trên thế giới. Nhiều chuyện lùm xùm đã phát sinh như việc các nước phát triển mua lượng vaccine gấp nhiều lần mức cần thiết trong khi các nước nghèo không tiếp cận được chế phẩm này. Nội bộ giới “nhà giàu” cũng tố nhau “đi đêm” với các hãng dược để sớm có vaccine. Một số quốc gia đã đặt ra các chế tài đối với những người từ chối tiêm vaccine, trong khi không ít quan chức “rớt đài” vì lợi dụng địa vị để được tiêm trước.

Bộ trưởng Y tế Ecuador Zevallos là nhân vật mới nhất mất chức vì vaccine COVID-19. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Y tế Ecuador Zevallos là nhân vật mới nhất mất chức vì vaccine COVID-19. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Y tế Ecuador Juan Carlos Zevallos hôm 26-2 đã từ chức, trở thành quan chức y tế thứ 3 của khu vực Mỹ Latin phải rời nhiệm sở do bê bối quanh việc tiêm vaccine COVID-19. Sự ra đi của Bộ trưởng Zevallos diễn ra sau khi ông gây bức xúc trong dân chúng bằng việc gửi thư đến các hiệu trưởng trường đại học để mời họ tiêm vaccine mà không cần xếp hàng và mẹ ông đã được ưu tiên tiêm vaccine từ tháng 1. Ông Zevallos hiện bị cơ quan công tố Ecuador điều tra vì nghi ngờ lạm dụng quyền lực, trong khi Quốc hội  đang xem xét mở một phiên tòa chính trị đối với nhân vật này.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Argentina Gines Gonzalez Garcia cũng đã từ chức vào ngày 19-2 sau khi có báo cáo cho thấy một số người sử dụng “quan hệ cá nhân” để được tiêm vaccine mà không cần “xếp hàng”.

Nhưng gây chú ý nhất là vụ bê bối tại Peru. Theo đó, hơn 480 người, trong đó có một số bộ trưởng và một cựu tổng thống, đã âm thầm tiêm vaccine COVID-19 ngay trước khi chương trình tiêm chủng chính thức khởi động.

Cụ thể, cựu Tổng thống Martin Vizcarra và phu nhân đã được tiêm phòng khi còn đương chức vào tháng 10 năm ngoái và không tiết lộ thông tin này cho công chúng. Ông Vizcarra phân bua rằng bản thân và vợ được tiêm vaccine như một phần của thử nghiệm lâm sàng, nhưng Đại học Cayetano Heredia, nơi phụ trách thử nghiệm, phủ nhận việc họ tham gia với tư cách tình nguyện viên.

Vụ việc buộc Ngoại trưởng Elizabeth Astete phải ra đi dù đã cố gắng thanh minh lúc đó bà tin rằng chỉ tiêm “những liều vaccine còn sót lại được lưu trữ tại Đại học Cayetano Heredia” và cam kết không tiêm mũi thứ hai.

Tuy không dùng vị trí của mình để được tiêm vaccine sớm nhưng Bộ trưởng Y tế Peru Pilar Mazzetti cũng phải từ chức vì để xảy ra sự việc.

Tại châu Á, làn sóng phẫn nộ đã bùng phát ở Indonesia cuối tuần rồi quanh việc một số người dùng đặc quyền để chen chân vào hàng dài người đang chờ tiêm vaccine COVID-19 theo diện ưu tiên. Bên cạnh đó là tình trạng những thành viên trong gia đình các nghị sĩ “đi tiêm ké” tại Quốc hội.

Còn ở châu Âu, Bộ Y tế Ba Lan vừa mở cuộc điều tra sau khi có thông tin nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm các chính trị gia, diễn viên… đã dùng tiền và ảnh hưởng để “cướp lượt” tiêm vaccine COVID-19. Giải thích của giới chức rằng những người này được tiêm trước để tham gia chiến dịch quảng bá vaccine cũng không làm cho người dân xứ sở bạch dương nguôi giận.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, “Vaccine mang lại cơ hội để chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên để bảo vệ thế giới, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả những người có nguy cơ nhất phải có quyền được bảo vệ nhất”. Rõ ràng, lợi dụng chức quyền hoặc chạy chọt để được tiêm vaccine sớm ngoài việc tạo ra bất bình đẳng trong xã hội còn gây khó cho cuộc chiến chống COVID-19.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết