10/08/2024 - 15:32

Chạy đua phát triển tàu mặt nước không người lái 

Trong động thái nhằm đáp trả các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Ðông, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đang tăng cường năng lực hàng hải bằng cách trang bị nhiều tàu mặt nước không người lái (USV), qua đó đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong công nghệ quốc phòng của xứ hoa anh đào.

Tàu USV Sea Hunter của Mỹ. Ảnh: Chinatimes

Theo tạp chí Diễn đàn Quốc phòng Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPDF), động thái trên được Tokyo đưa ra nhằm đáp trả việc Bắc Kinh liên tục xâm nhập xung quanh quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư). Gần đây nhất, các tàu Trung Quốc hồi tháng 6 đã đi vào vùng biển Nhật Bản trong thời gian kỷ lục 64 tiếng.

IPDF cho biết, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2024 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của USV trong việc tăng cường năng lực quốc phòng, bởi các tàu này có thể hoạt động một cách tự chủ, an toàn và tiết kiệm chi phí hơn so với các tàu có người lái. Tokyo đang phân bổ hơn 160 triệu USD để nghiên cứu và phát triển loại USV hỗ trợ chiến đấu có khả năng phát hiện các mối đe dọa và thu thập thông tin tình báo bằng công nghệ điều hướng tàu ngầm tiên tiến.

Giới phân tích nhận định, USV có thể giúp Nhật Bản tăng cường cán cân quân sự với Trung Quốc và đóng vai trò như một biện pháp tạm thời để giải quyết khoảng cách về số lượng và hỏa lực giữa Tokyo và Bắc Kinh. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Japan News hồi tháng 7, tác giả Kojiro Tanikawa chỉ ra rằng Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã gia tăng số lượng tàu chiến và nâng cao năng lực hải quân. Tính đến năm ngoái, Bắc Kinh sở hữu 88 tàu chiến và khu trục hiện đại, trong khi tàu chiến của JMSDF vẫn ở mức chỉ khoảng 50 chiếc.

Khoảng cách về số lượng tàu chiến như vậy có thể khiến Nhật Bản gặp bất lợi. Sam Tangredi, trưởng khoa nghiên cứu về chiến tranh tương lai tại Trường Hải chiến Mỹ, trong một bài viết hồi tháng 1-2023 cho thấy trong 25 trong số 28 cuộc hải chiến, bên nào có hạm đội lớn hơn thì bên đó giành chiến thắng.

Khi được hỏi liệu chiến lược, công nghệ hay năng lực huấn luyện vượt trội có thể bù đắp được nhược điểm về số lượng hay không, ông Tangredi chỉ ra nhiều ví dụ cho thấy số lượng thường giữ vai trò quan trọng. Ông này cho rằng các hạm đội nhỏ hơn dù sở hữu công nghệ tiên tiến hơn cũng khó có thể giành chiến thắng, qua đó nêu bật xu hướng lịch sử nghiêng về bên có ưu thế về số lượng trong chiến tranh hải quân.

Toshi Yoshihara, thành viên cấp cao tại Trung tâm Ðánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ, dự báo rằng đến năm 2030 Hải quân Trung Quốc có thể có hơn 450 tàu trong khi JMSDF vẫn sẽ “giậm chân tại chỗ”. Theo ông Yoshihara, dù tàu chiến của Nhật Bản có trọng tải lớn hơn tàu chiến Trung Quốc nhưng lợi thế đó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi Bắc Kinh đưa thêm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục vào biên chế. Về hỏa lực, ông Yoshihara chỉ ra rằng so với Nhật Bản, Trung Quốc sở hữu hệ thống phóng thẳng đứng nhiều hơn tới 75%, trong khi tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc vượt xa đáng kể so với Nhật Bản.

Hải quân Mỹ hồi tháng 5 vừa qua đã thành lập Hạm đội USV 3 (USVRON 3) tại Căn cứ Hải quân San Diego. USVRON 3 chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị USV nhỏ gọi là tàu trinh sát tự động (GARC). Số tàu này sẽ cung cấp thêm khả năng và năng lực chiến đấu để tăng cường lực lượng chiến đấu truyền thống của Hải quân Mỹ, mang lại cho các chỉ huy nhiều lựa chọn hơn để tăng lợi thế về chiến thuật và chiến lược.

Việc phát triển các USV của Hải quân Mỹ đã được chú ý trong nhiều thập kỷ qua và được coi là chiến lược chủ chốt hướng tới tương lai của quân chủng có quy mô lớn nhất quân đội Mỹ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng USV thuộc Hải quân Mỹ là ngăn chặn các thiết bị lặn mang vũ khí chiến lược, tương tự như thiết bị lặn Poseidon vừa được Nga triển khai trực chiến.

Người Mỹ đã nhận thấy tính hiệu quả cao của USV trong cuộc chiến Nga - Ukraine trên Biển Ðen. Cụ thể, Ukraine đã sử dụng ngày càng nhiều xuồng không người lái để rải thủy lôi và tấn công chiến hạm Nga trên Biển Ðen, khiến Mát-xcơ-va phải điều chuyển lực lượng để tránh tổn thất. Tính đến nay, Ukraine tuyên bố đánh chìm hoặc làm hư hại khoảng 20 chiến hạm của Nga bằng xuồng tự sát mang chất nổ hoặc thủy lôi do USV thả.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết