06/05/2023 - 23:38

Chạy đua bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới đáy biển 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong một thế giới đầy bất ổn, nhiều nước đang ráo riết xây dựng năng lực bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới đáy biển của mình, bao gồm các đường ống năng lượng, cáp thông tin liên lạc và cảm biến thủy âm dân sự.

Sơ đồ thiết kế của tàu ngầm tác chiến dưới đáy biển Mod VA SSW của Mỹ. Ảnh Naval News

Mỹ, Nga đóng tàu ngầm mới

Mỹ đang có kế hoạch đóng tàu kế nhiệm cho tàu ngầm do thám USS Jimmy Carter, cập nhật thêm nhiều tính năng cần thiết cho hoạt động tác chiến dưới đáy biển trong bối cảnh căng thẳng trên các khu vực hàng hải khác nhau với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo Asia Times, "người kế nhiệm" tàu ngầm USS Jimmy Carter có tên Mod VA SSW và trị giá 5,1 tỉ USD, có thể được triển khai nhằm làm gián đoạn "Cáp hòa bình" dưới đáy biển nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi. Trong khi thông tin chi tiết về Mod VA SSW được giữ bí mật thì tờ Naval News tin rằng tàu ngầm này dự kiến sẽ mang theo các phương tiện chuyên dụng dưới nước không người lái (UUV), đảm trách hoạt động giám sát và tác chiến dưới đáy biển như rải mìn, chống tàu ngầm và các hoạt động đặc biệt khác; các phương tiện điều khiển từ xa, gồm MK 11 SDV, có thể lén lút vận chuyển các toán đặc nhiệm SEAL để phá hủy các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở các đảo xa xôi ở Biển Ðông, thâm nhập vào các căn cứ quân sự và đánh chìm các tàu chiến của đối phương tại cảng hoặc triển khai các toán SEAL để giám sát hoặc hướng dẫn hỏa lực chính xác tầm xa từ các căn cứ hải quân và không quân Mỹ và đồng minh. Tương tự như USS Jimmy Carter, Mod VA SSW cũng có thể cắt và khai thác các cáp thông tin liên lạc dưới biển.

Ngoài Mỹ, các cường quốc hải quân khác cũng đã phát triển những khả năng chuyên biệt dành cho chiến tranh dưới đáy biển. Tờ Asia Times hồi tháng 7 năm ngoái cho biết Nga đã âm thầm đóng tàu ngầm Belgorod, vốn được thiết kế để mang theo phương tiện tự hành dưới nước (AUV) được trang bị vũ khí hạt nhân Poseidon, có thể phóng từ khoảng cách hàng trăm dặm và lẻn qua hệ thống phòng thủ bờ biển bằng cách di chuyển dọc theo đáy biển. "Siêu ngư lôi này là một loại vũ khí hoàn toàn mới. Nó sẽ định hình lại kế hoạch hải quân của cả Nga và phương Tây" - chuyên gia tàu ngầm Mỹ H. I. Sutton viết trên trang Covert Shores.

Giới chuyên gia cho biết, thiết kế của Belgorod là phiên bản nâng cấp của tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Oscar II của Nga, được trang bị ngư lôi tàng hình hạt nhân đầu tiên trên thế giới cũng như thiết bị thu thập thông tin tình báo. Theo giới chuyên gia, nếu Belgorod được bổ sung cho hạm đội Nga thì trong thập niên tới nó có thể tạo tiền đề cho sự "trở lại" của Chiến tranh Lạnh dưới đại dương. Với chiều dài hơn 184m, Belgorod là tàu ngầm dài nhất hiện nay, dài hơn cả tàu ngầm tên lửa đạn đạo dẫn đường lớp Ohio của Hải quân Mỹ, vốn dài chỉ 171m.

Mát-xcơ-va cũng đang đại tu Losharik, một tàu ngầm phá hoại không vũ trang có khả năng lặn sâu tới 6.000m và được coi là tàu ngầm "im lặng" nhất và ít bị phát hiện nhất của xứ bạch dương. Losharik được thiết kế để đặt các thiết bị tại các địa điểm không thể tiếp cận, tiến hành giám sát, khai thác cáp thông tin liên lạc dưới nước, cứu hộ tàu ngầm và thực hiện các hoạt động đặc biệt.

Về phần mình, Trung Quốc lo ngại về tính dễ bị tổn thương của các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển nên đã xây dựng 2 căn cứ để bảo trì các tuyến cáp ở Biển Hoa Ðông và Biển Ðông, một ở Hải Nam và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai dự án "Cáp hòa bình" - tuyến cáp quang biển dài 15.000km nối Trung Quốc, châu Âu và châu Phi, bắt đầu từ thành phố Gwadar (Pakistan), đi qua Kenya, Djibouti, Somalia và kết thúc ở Pháp.

Nhiều nước châu Âu đặt mua AUV

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu cũng đang đưa ra giải pháp riêng nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển. Ðơn cử, Ủy ban châu Âu hồi tháng 3 đã cho cập nhật Chiến lược an ninh hàng hải châu Âu, kêu gọi triển khai các cuộc tập trận hàng hải trực tiếp để có thể giám sát và bảo vệ tốt hơn các cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng dưới đáy biển. Một phần trong nỗ lực đó, Quỹ Phòng thủ châu Âu năm 2023 đã phân bổ 90 triệu euro cho công tác tác chiến dưới nước, gồm cả việc thúc đẩy phát triển phương tiện chống tàu ngầm không người lái cũng như khả năng đối phó với thủy lôi.

Một hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển. Ảnh: Shutterstock

Một phân tích do Nghị viện châu Âu thực hiện hồi năm ngoái cho thấy mặc dù tình trạng mất điện hoàn toàn do một cuộc tấn công mạng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) là "rất khó xảy ra", bởi khu vực này sở hữu lượng lớn cáp và khả năng dự phòng sẵn có. Tuy nhiên, một cuộc tấn công phối hợp hoặc đồng thời vào một số dây cáp và cơ sở hạ tầng có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể. Giới chuyên gia cho biết, sự cố vỡ đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga hồi tháng 9-2022 cho thấy các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng có thể là hoạt động chi phí thấp nhưng mang lại thành công thông qua các phương tiện không phức tạp và sẵn có. Do đó, việc chống lại chúng bằng cách sử dụng các hệ thống phòng thủ giá cả phải chăng như AUV sẽ phát huy hiệu quả.

Như nhận thấy lợi ích của AUV, các quốc gia ở châu Âu đang chuyển sang mua các hệ thống AUV có thể được sử dụng để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới đáy biển. Ðơn cử, Bộ Quốc phòng Ý hồi tháng 2 đã công bố yêu cầu mới đối với các hoạt động dưới đáy biển là tích hợp AUV cũng như các phương tiện điều khiển từ xa vào tàu ngầm U-212A và tàu ngầm U212. Trước đó, tờ Teledyne Marine hồi tháng 12 năm ngoái xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Ba Lan đã mua thêm 3 chiếc AUV Gavia để trang bị cho các tàu chống thủy lôi lớp Kormoran II. Cũng trong tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Exail của Ba Lan đã giành được hợp đồng thuê AUV A18D từ Pháp để hải quân nước này dùng để tiến hành thử nghiệm và xác định các yêu cầu của Chiến lược tác chiến dưới đáy biển.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ðan Mạch hồi năm 2021 đồng ý mua 6 AUV hạng nhẹ từ Tập đoàn Oceanscan-MST (Bồ Ðào Nha). Trong khi đó, Anh gần đây ký các hợp đồng mua 5 chiếc AUV, gồm 2 chiếc Gavia Offshore Surveyor và 3 chiếc Iver 4 580. Số AUV này được cấu hình để thực hiện vô số nhiệm vụ như trinh sát, tình báo, tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến dưới đáy biển.

Các cuộc chiến tiềm ẩn

Tiềm ẩn dưới đáy biển là những cuộc chiến tranh giữa các cường quốc về tài nguyên khoáng sản, hải sản, dầu mỏ và phòng thủ quốc gia… Nếu chiến tranh dưới đáy biển xảy ra, các cơ sở hạ tầng quan trọng như cáp dẫn điện, đường ống dẫn dầu, cáp thông tin liên lạc quân sự, cáp Internet cùng mạng lưới cảm biến cảnh báo thời tiết, động đất, sóng thần… có thể bị phá hủy hoặc bị gián đoạn trong việc truyền dẫn.

Cuối năm 2020, các nhà khoa học ước tính 97% thông tin liên lạc toàn cầu được truyền bằng cáp đặt ngầm dưới đáy biển. Nó trị giá hàng ngàn tỉ USD và được mô tả là “không thể thiếu nhưng không an toàn”. Cáp ngầm rất dễ bị tấn công bởi tàu ngầm, AUV điều khiển từ xa, các loại bom từ tính và cả những lực lượng được trang bị những dụng cụ chuyên dùng cho những nhiệm vụ đặc biệt dưới đáy biển.

Về mặt quân sự, kẻ xâm lược có thể cắt đứt nhiều dây cáp để ngăn quân đội của bên phòng thủ liên lạc với lãnh đạo, hệ thống tình báo và cảm biến quốc gia, từ đó có thể gây bất ổn ở cấp độ hạt nhân chiến lược, ngăn chặn một đối thủ có vũ khí hạt nhân kiểm soát và giám sát vũ khí hạt nhân của họ.

Chia sẻ bài viết