30/04/2020 - 18:46

Châu Phi sợ chết đói hơn dịch bệnh 

Trong bối cảnh lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 bước sang tuần thứ 4, Nam Phi bắt đầu đánh giá tác động mà nó mang lại. Tuy lệnh phong tỏa đã giúp trấn áp tội phạm nhưng nó lại làm gia tăng tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng tại quốc gia này.

Với lệnh phong tỏa toàn quốc, Nam Phi gặt hái được nhiều kết quả bất ngờ. So với cùng kỳ năm 2019, tội phạm bạo lực giảm mạnh. Số liệu thường niên về tội phạm giết người, hiếp dâm và hành hung đều giảm. Tương tự, các vụ đánh cướp xe hơi, xe tải cũng như các vụ cướp tại nhà và các cơ sở kinh doanh giảm từ 8.853 vụ xuống còn 2.098 vụ, trong khi số người chết vì tai nạn giao thông trong thời gian diễn ra lễ Phục sinh giảm tới 82%, từ 162 ca năm 2019 xuống chỉ còn 28 ca.

 

Tuy nhiên, đằng sau những thành quả đó, một “bóng ma” lớn đang dần hiện ra, đó là nạn đói. Ở thời điểm hiện tại, những người giàu có và tầng lớp trung lưu có thể mua nhu yếu phẩm nhưng đại đa số người dân Nam Phi vốn là những người lao động nghèo và thất nghiệp không có tiền mua thức ăn dự trữ. Theo thống kê, Nam Phi có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20% vào đầu năm 2020, tỷ lệ này hiện còn cao hơn, khiến nhiều người không thể tự nuôi bản thân và gia đình.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi nhiều người tuyên bố: “Tôi thà chết vì COVID-19 còn hơn là chết vì đói”. Ở một số nơi, các cuộc biểu tình về thực phẩm đã nổ ra bất chấp lệnh phong tỏa, dẫn đến nạn cướp bóc và đụng độ với lực lượng an ninh. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 21-4 đã cho công bố “ngân sách phi thường” trị giá 500 tỉ rand (tương đương 26 tỉ USD) để xử lý những ảnh hưởng về kinh tế xã hội mà dịch bệnh mang lại. Trong một bài phát biểu, ông cho biết số tiền “lịch sử” này chiếm khoảng 10% GDP của Nam Phi, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của gói cứu trợ là chống lại COVID-19 và làm giảm thiểu tình trạng đói kém tại đây.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại khu vực Đông Phi khi mà Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới đây cảnh báo, COVID-19 có thể làm tăng gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực tại các quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng trên khắp khu vực. WFP ước tính, khoảng 20 triệu người đang không được đảm bảo về lương thực trên khắp các quốc gia ở Đông Phi, gồm Burundi, Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Rwanda, Somalia và Uganda. Tuy sự bùng phát của SARS-CoV-2 tại các nước này cho đến nay chỉ ở mức tương đối so với các khu vực khác trên thế giới nhưng do nền kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, họ được coi là dễ bị tổn thương trước tác động của COVID-19.

“Dự báo của WFP hiện tại là số người bị mất an ninh lương thực trong khu vực có thể tăng lên 34 triệu hoặc thậm chí 43 triệu trong 3 tháng tới do tác động về kinh tế xã hội của COVID-19. Trong kịch bản xấu nhất, tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng hơn gấp đôi” - người phát ngôn WFP Elisabeth Byrs cho biết. Bà Byrs dự báo, gần một nửa trong số 43 triệu người này có thể rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.

Không chỉ châu Phi mà cả thế giới “đang bên bờ đại dịch đói” theo như lời cảnh báo mới đây của Giám đốc điều hành WFP David Beasley. Ước tính, tổng cộng 135 triệu người trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cấp tính và COVID-19 sẽ “góp” thêm 130 triệu người nữa vào cuối năm nay. Ông Beasley cho rằng trong tình huống xấu nhất, nạn đói sẽ hiện diện ở khoảng 30 quốc gia.

TRÍ VĂN (Theo AP, Aljazeera, Reuters)

Chia sẻ bài viết