18/01/2016 - 22:00

Châu Âu nhanh chân tìm cơ hội tại thị trường Iran

Trong khi Mỹ vẫn đang lưỡng lự thì các doanh nghiệp châu Âu bắt đầu sốt sắng với chiến lược tái đầu tư vào thị trường Iran sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này được dỡ bỏ hôm 16-1, mở đường cho Tehran trở lại thị trường quốc tế.

Trình bày dự thảo ngân sách năm tài khóa 2016 trước Quốc hội Iran, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết việc chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế theo thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là "trang vàng" trong lịch sử và là sự kiện mang tính "bước ngoặt" đối với nền kinh tế 80 triệu dân. "Đây sẽ là cơ hội để Iran phát triển đất nước, cải thiện đời sống người dân đồng thời đem lại sự ổn định và củng cố an ninh trong khu vực" – Tổng thống Iran nhấn mạnh.

Iran hy vọng dỡ bỏ cấm vận có thể thúc đẩy kinh tế phát triển với việc tăng sản lượng dầu mỏ xuất khẩu. Ảnh: AP

Trong khi đó, tờ Washington Post của Mỹ cho rằng không chỉ Iran mà các doanh nghiệp châu Âu cũng được "hưởng lợi lớn" khi Tehran thoát cấm vận. Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích kinh tế, dòng chảy đầu tư đổ vào Iran và quy mô nền kinh tế nước này có thể so với việc mở cửa lại thị trường khối Đông Âu hồi những năm 1990.

Hiện tại, Airbus có thể là doanh nghiệp đầu tiên hợp tác với Cộng hòa Hồi giáo khi Tehran đang lên kế hoạch mua 114 máy bay của tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu. Truyền thông còn đưa tin, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã có mặt tại Thủ đô Tehran hồi tuần rồi để thảo luận hợp tác kinh doanh trong khi Bộ trưởng Thương mại Cộng hòa Séc cũng gặp gỡ giới chức Iran để đàm phán vấn đề hợp tác giữa các công ty điện lực.

Trái ngược với những doanh nghiệp châu Âu, tờ Washington Post cho biết các công ty Mỹ vẫn còn đang bị hạn chế bởi một loạt biện pháp trừng phạt liên quan chương trình hạt nhân chưa được Washington dỡ bỏ.

Về phần mình, Nga đang kỳ vọng có thể tăng nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực xuất khẩu vũ khí và các giao dịch liên quan chương trình hạt nhân dân sự của Iran. Ngoài xem xét loại bỏ thị thực du lịch, Mát-xcơ-va còn lên kế hoạch đẩy mạnh nhập khẩu thực phẩm từ Iran sau khi cấm nhập khẩu hầu hết các thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm ngoái. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp Anh có thể nắm bắt cơ hội sau khi các biện pháp trừng phạt đối với Iran dần được dỡ bỏ.

Vấn đề hiện nay là dù có rất nhiều công ty nhỏ lẻ của châu Âu chuẩn bị sẵn sàng kinh doanh tại Iran nhưng các doanh nghiệp lớn ngược lại sẽ cân nhắc kỹ khía cạnh pháp lý, thậm chí không mạo hiểm đầu tư cho đến khi có thông tin rõ ràng từ Bộ Tài chính Mỹ về phương thức giao dịch mà doanh nghiệp châu Âu có thể thực hiện khi hợp tác với Iran.

Ngoài ra, các công ty lớn của châu Âu cũng e ngại Washington thay đổi lập trường trong trường hợp Tổng thống mới sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới là ứng viên của đảng Cộng hòa vốn phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Điển hình như Airbus, đại diện hãng này trong một tuyên bố đề cập kế hoạch của Iran về việc mua máy bay cho biết Airbus đang xem xét thị trường mới nhưng trên khía cạnh "hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế". Do đó, Nigel Coulthard - người đứng đầu nhóm xúc tiến thương mại tại Pháp cho biết đầu tư vào Iran là cơ hội nhưng quá trình này sẽ phải mất một khoảng thời gian để mang lại giá trị thương mại thực sự.

MAI QUYÊN
(Theo Washington Post, Guardian)

MAI QUYÊN (Theo Washington Post, Guardian)

Chia sẻ bài viết