12/03/2021 - 21:04

Châu Âu khó xử với căng thẳng Mỹ - Trung 

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương như “con đường thứ 3”, có thể giúp cân bằng quan hệ với đồng minh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc và EU họp trực tuyến nhằm giải quyết bất đồng về thương mại, đầu tư, an ninh quốc gia.

Lãnh đạo Trung Quốc và EU họp trực tuyến nhằm giải quyết bất đồng về thương mại, đầu tư, an ninh quốc gia.

Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp EU diễn ra hồi tháng rồi đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Sự kiện này được ví như bước đệm cho sự trở lại của Washington và là bước ngoặt hàn gắn quan hệ xuyên Ðại Tây Dương vốn bị suy yếu dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dù vậy, phản ứng thận trọng của các ngoại trưởng EU trước lời kêu gọi của ông Blinken về việc “đoàn kết đẩy lùi Trung Quốc” cho thấy Brussels vẫn chưa sẵn sàng cam kết bất cứ điều gì, cho đến khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra chính sách toàn diện hơn về Trung Quốc.

Ủng hộ nỗ lực của Nhà Trắng khôi phục liên minh bị bỏ quên nhằm chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc, Ðức đã xem xét kế hoạch triển khai tàu khu trục nhỏ tới châu Á và vùng biển tranh chấp trên Biển Ðông. EU cũng nhất trí với chỉ trích của Mỹ về việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương thông qua lệnh trừng phạt nhắm vào 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc. Ngờ vực tại Balkan, khu vực vốn được Bắc Kinh xem là “cửa ngõ vào châu Âu”, cũng tăng lên khi 6 quốc gia thành viên EU (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania và Slovenia) không còn cử lãnh đạo đến dự hội nghị thượng đỉnh 17+1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà thay bằng các đại diện cấp thấp hơn.

Tuy thể hiện thái độ cứng rắn đối với cường quốc châu Á, giới quan sát cho biết Brussels vẫn e dè cách tiếp cận của Washington trước Bắc Kinh. Theo nhận định của một đại sứ EU phụ trách vấn đề châu Á, Mỹ đang theo đuổi chương trình nghị sự “diều hâu” đối phó Trung Quốc nhưng lại không có chiến lược rõ ràng. Quan trọng hơn, đấy không phải là lập trường của khối 27 quốc gia thành viên.

Vấn đề nữa là EU dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay với các đối tác toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Theo báo cáo hồi tháng 2 của Cơ quan Thống kê châu Âu, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong năm 2020. Cả hai cũng đang hướng tới một thỏa thuận đầu tư cho phép các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.

Con đường thứ 3

Thay vì chọn một trong hai cường quốc, quan chức EU cho biết mục tiêu của khối là cân bằng quan hệ chiến lược với Washington và Bắc Kinh, đảm bảo không nghiêng về bên nào dẫn đến xa lánh hay xung đột nghiêm trọng với phía còn lại. Ðể củng cố quyền tự chủ chiến lược, EU đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ với các nước khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ. Năm ngoái, Hà Lan đã công bố tài liệu chiến lược chính thức đầu tiên về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, chỉ 10 tuần sau khi Ðức đưa ra chiến lược tương tự. Trước đó, Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu ban hành chiến lược riêng về khu vực này. Dự kiến, kế hoạch chung của EU về khu vực sẽ được thảo luận vào tháng tới. Các nhà ngoại giao tiết lộ chiến lược nếu được thông qua có thể tăng cường sự hiện diện an ninh và vai trò chính trị, thương mại, ngoại giao của liên minh tại khu vực.

Theo đánh giá của một nhà ngoại giao Pháp, Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là nền tảng “không thể thay thế” trên bản đồ địa chính trị của châu Âu. Sự chuyển dịch trong quan hệ quốc tế về khu vực này đồng thời “khớp” với kế hoạch của EU muốn độc lập hơn về công nghệ kỹ thuật số nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Ngoài ra, diễn biến trên cũng phù hợp mong muốn của các nước khu vực về một EU tích cực hơn trong vai trò duy trì thương mại tự do và cởi mở, đảm bảo họ không phải đứng trước sự lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington.

Mỹ bổ sung các biện pháp hạn chế bán thiết bị cho Huawei

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sửa đổi các giấy phép liên quan đến các công ty Mỹ bán hàng cho tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc, qua đó bổ sung các biện pháp hạn chế cung cấp các thiết bị có thể dùng trong mạng viễn thông thế hệ mới 5G. Quyết định trên có thể cản trở các hợp đồng hiện nay với Huawei, vốn được ký kết theo các giấy phép trước đó.

Ðộng thái trên cho thấy sự cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Biden đối với hoạt động xuất khẩu cho Huawei, công ty đang nằm trong “danh sách đen” của Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.

Căng thẳng liên quan đến Huawei bùng phát từ sau sự kiện Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc lừa gạt ngân hàng HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran, đẩy ngân hàng này vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết