09/06/2011 - 09:46

Châu Á sử dụng iPad cho "trường học không giấy"

iPad của Apple và các máy tính bảng khác đang thay thế những quyển tập ghi chép truyền thống ở một số trường học tại châu Á và giúp cho việc học hành của hàng ngàn học sinh tốt hơn rất nhiều.

Học sinh Singapore học bài với iPad. 

Không bao lâu nữa, một thiết bị mỏng dính gọn nhẹ đút dễ dàng vào chiếc cặp và lưu trữ hàng ngàn quyển sách, sẽ đưa các chiếc cặp học sinh nặng trịch sách vở vào dĩ vãng, khi các trường học tại nhiều nền kinh tế phát triển của châu Á đang chạy đua hướng đến những lớp học không giấy.

Học sinh 13 tuổi Nicole Ong, hiện đang ghi bài trên iPad tại một lớp học của Trường trung học nữ Nanyang ở Singapore, hồ hởi cho biết em rất thích iPad vì nó gọn nhẹ và không phải mang theo nhiều sách vở nặng nề trong cặp. Một nhóm thí điểm hơn 200 học sinh và 16 giáo viên của trường học này đã được cấp iPad, với kinh phí hơn 100.000 USD. Đến năm 2013, tất cả học sinh của trường sẽ đều có iPad.

Số ứng dụng phần mềm phục vụ cho giáo dục được dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nó là một ngành kinh doanh hoàn toàn mới mà ngay cả ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã từng nhận định là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn. Ông cho biết tập đoàn News Corp của ông sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ giáo dục trong một bài phát biểu tại hội nghị e-G8 của các doanh nhân Internet và nhà hoạch định chính sách châu Âu ở Paris hồi tháng rồi. Ông mô tả giáo dục như là tầm với cuối cùng của cách mạng số và vẽ ra viễn cảnh học hành cá nhân với các bài học được cung cấp bởi những giáo viên giỏi nhất thế giới tới hàng ngàn học sinh qua Internet.

Nhiều trường học tại châu Á đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Rene Yeo, Trưởng bộ môn công nghệ thông tin tại Trường trung học Tampines - cũng ở Singapore, đã giảng dạy khoa học bằng iPad. Học sinh của ông đã học tìm thừa số đơn giản bằng cách di chuyển các con số quanh màn hình. Họ cũng đọc về tế bào động vật và cấu trúc não người bằng cách nhấp vào từng phần cụ thể. Đã có nhiều ứng dụng giúp cho việc học tiếng Anh và toán học, học sinh có thể phân tích nguyên nhân và hậu quả trên phần mềm iBrainstorm, chuẩn bị kỳ thi nói và bài nói với AudioNote và thậm chí gảy đàn ghita cho bài học nhạc trên chương trình GarageBand.

Sam Han, một chuyên gia Mỹ về vai trò của công nghệ trong giáo dục, cho biết ông hy vọng một số quốc gia châu Á sẽ qua mặt phương Tây. Theo ông, mặc dù Internet được khai sinh ở Mỹ, nhưng Singapore và Hàn Quốc lại có kiến trúc hạ tầng và mức độ thâm nhập kết nối Internet băng thông rộng mạnh hơn Mỹ. Bộ truyền thông Nhật Bản đã trao máy tính bảng cho hơn 3.000 học sinh dưới 12 tuổi tại 10 trường tiểu học và thậm chí trang bị cho các lớp học những bảng đen điện tử tương tác trong một dự án thử nghiệm mang tên “trường học tương lai”.

Ở Hàn Quốc, nơi trường học có các khu vực kết nối WiFi, bộ giáo dục đã thử nghiệm sách giáo khoa điện tử tại một số trường kể từ năm 2007. Tới năm 2012, bộ sẽ quyết định có cung cấp máy tính bảng cho các trường học trên khắp cả nước không.

LÊ PHI (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết