18/02/2009 - 10:16

Châu Á - điểm tựa mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Việc bà Hillary Clinton chọn châu Á là điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã chứng tỏ châu lục này có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Barack Obama, đặc biệt trong vấn đề an ninh cũng như kinh tế.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Clinton sau khi thăm Nhật Bản sẽ đến Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc, với mục tiêu như bà tuyên bố là “xây dựng các quan hệ đối tác vượt ra ngoài phạm vi ranh giới địa lý và chính trị”. Dư luận Mỹ cho rằng bà Clinton lựa chọn Nhật Bản là chặng đầu tiên của chuyến thăm châu Á là điều rất có ý nghĩa đối với đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ này, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là trọng tâm lớn trong chuyến thăm Hàn Quốc, đi thăm Indonesia là để bày tỏ cam kết Mỹ coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á. Bà Clinton là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Ban Thư ký ASEAN.

Tại Nhật Bản, mục tiêu của Ngoại trưởng Clinton là khẳng định việc duy trì mối quan hệ liên minh chặt chẽ với đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, điều mà Washington đang mong chờ từ Tokyo vào thời điểm này là Nhật Bản cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức hiện nay, trong đó đáng chú ý là thách thức từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tại Seoul, hai bên sẽ tập trung vào quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Hiệp định Thương mại tự do song phương. Bà Clinton trước đó đã tái khẳng định cam kết của chính quyền Obama đối với đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và cho biết sẽ thảo luận với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản về biện pháp đưa đàm phán sáu bên trở lại quỹ đạo.

Mặc dù Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á, song giới phân tích đánh giá đây mới là trọng tâm trong hoạt động ngoại giao đầu tiên của bà Clinton. Quan hệ Mỹ - Trung hiện được đánh giá khá tốt và giới quan sát nhìn nhận đây là một trong số ít thành quả ngoại giao mà chính quyền Mỹ tiền nhiệm để lại. Trên cơ sở này, trong thời gian ở thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Clinton sẽ đề nghị triển khai đối thoại cấp cao định kỳ cấp chính phủ. Ngoài ra, với việc Trung Quốc ngày càng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế thế giới, cần có sự hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ - Trung để đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg nói rằng chuyến công du châu Á của bà Clinton chủ yếu là “chuyến thăm lắng nghe”, “tìm hiểu quan điểm và những lo ngại của các đối tác của Mỹ, từ đó tìm kiếm lối thoát chung”. Tuy nhiên, việc phát triển quan hệ giữa Mỹ với các nước đối tác châu Á không chỉ dựa vào quyết định đơn phương của Mỹ. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng không chỉ là lắng nghe, mục tiêu của bà Clinton trong chuyến đi này là tìm hiểu xem liệu chính sách ngoại giao đối với châu Á của chính quyền Obama có triển khai được hay không. Vì vậy, chính sách ngoại giao của chính quyền Obama đối với châu Á có gì thay đổi so với chính quyền trước hay không, điều này còn phải chờ đáp án sau chuyến đi của bà Clinton.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết