07/12/2021 - 10:44

Châu Á “đau đầu” vì phiến quân Baloch 

Rất ít người phương Tây có thể nhanh chóng xác định được tỉnh Balochistan của Pakistan trên bản đồ, nhưng một cuộc xung đột ác liệt mới tại châu Á hiện đang hình thành ở đó, liên quan đến Pakistan, Trung Quốc, Afghanistan, Iran và thậm chí cả Ấn Độ, bởi phiến quân Baloch đang nổi dậy, gây bạo lực, chống lại chính phủ và đòi độc lập. Họ cũng giận dữ phản đối sự thống trị về kinh tế của Trung Quốc tại địa bàn của mình.

Nguy cơ rơi vào hỗn loạn

Những người ly khai Baloch biểu tình phản đối Chính phủ Pakistan. Ảnh: AFP

Những người ly khai Baloch biểu tình phản đối Chính phủ Pakistan. Ảnh: AFP

Theo tờ Asiatimes, phiến quân Baloch sát hại lực lượng an ninh Pakistan trong khu vực cũng như công nhân thi công các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc tại Balochistan gần như hàng ngày. Do Balochistan có đường biên giới dài với Afghanistan và Iran, đồng thời có các liên kết về sắc tộc và chính trị đối với cả hai nước này nên biến động ở Balochistan có thể khiến phần lớn châu Á rơi vào cảnh hỗn loạn, đặc biệt có thể nhấn chìm Pakistan trong cơn bạo loạn, thách thức vị thế địa chính trị của Trung Quốc và gây ra tình trạng bất ổn trên khắp Iran và Afghanistan.

Được biết, tỉnh Balochistan chiếm tới 44% diện tích đất của Pakistan. Khu vực này giữ vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước, bởi sở hữu nhiều mỏ đồng, vàng lớn nhất thế giới cũng như nhiều mỏ than, dầu và khí tự nhiên phong phú nhất Pakistan. 

Lý do sâu xa chính là tranh chấp kéo dài hàng thập niên giữa phiến quân Baloch và chính phủ liên bang. Kể từ năm 1947 khi Pakistan giành được độc lập từ Anh, người Baloch đã chiến đấu chống lại chính phủ liên bang. Và cũng kể từ đó, người Baloch thường dùng đến bạo lực để đòi quyền độc lập khỏi Islamabad. Giới thủ lĩnh người Baloch đã nhiều lần phản đối việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Balochistan, khiến chính phủ liên bang thẳng tay đàn áp, đáng chú ý nhất là vào các năm 1948, 1958-1959, 1962-1963 và 1973-1977.

Vào năm 1998, bất chấp sự phản đối của người Baloch, chính phủ liên bang vẫn thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Pakistan trên Đồi Chagai của Balochistan, gây ra vụ phóng xạ thảm khốc. Năm 2001, trước sức ép của Trung Quốc, Tổng thống Pakistan khi đó là Pervez Musharraf đã công bố một dự án trị giá hàng tỉ USD để phát triển cảng Gwadar. Đổi lại, chính quyền ông Musharraf nhượng quyền kiểm soát các mỏ đồng và vàng quan trọng cho Bắc Kinh. Năm 2006, được sự hậu thuẫn công khai của ông Musharraf, quân đội Pakistan ám sát thủ lĩnh có tiếng của người Baloch là Nawab Akbar Bugti, nhân vật thường phản đối rằng Balochistan dù cung cấp 25% lượng khí đốt tự nhiên cho đất nước nhưng chỉ nhận được 5% doanh thu.

Công nhân Trung Quốc “lãnh đủ”

Cho đến ngày nay, doanh thu được tạo ra  bởi các mỏ khai thác khí đốt của Balochistan vẫn là cốt lõi của cuộc xung đột. Những người ly khai Baloch cho rằng chính quyền ông Musharraf đã trao các hợp đồng phát triển cơ sở hạ tầng chính cho “những người bên ngoài”, đồng thời cáo cuộc Chính phủ Pakistan kế nhiệm tiếp tục phân biệt đối xử với họ. Và chính sự nghi ngờ đối với những dự án khổng lồ này cùng với việc một lượng lớn công nhân từ các tỉnh Punjab, Sindh, Khyber Pakhtunkhwa, thậm chí là từ Trung Quốc, đổ xô tới Balochistan khiến người dân địa phương thất nghiệp và vô cùng phẫn nộ đã tạo thêm động lực cho cuộc phản kháng đầy bạo lực.

Theo đó, phiến quân Baloch bắt đầu coi lợi ích của họ là đối nghịch với Trung Quốc và phần còn lại của Pakistan, thường xuyên triển khai các cuộc tấn công nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt, mỏ than, công nhân Trung Quốc và các chốt an ninh của quân đội Pakistan tại khu vực, khiến Bắc Kinh vô cùng bất an. Đơn cử như hồi tháng 8 vừa qua, những kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một chiếc xe buýt ở khu vực đường cao tốc Vịnh Đông của Gwadar, lấy đi sinh mạng của 2 trẻ em và 3 công nhân Trung Quốc. Quân Giải phóng Balochistan (BLA) tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Không những vậy, công nhân Trung Quốc còn là nạn nhân của các cuộc tấn công có chủ đích ở các tỉnh Sindh, Khyber Pakhtunkhwa hay thành phố Karachi. Trước đó, vào tháng 11-2018, phiến quân Baloch tuyên bố trung thành với BLA đã tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi, khiến 4 người thiệt mạng. Còn chỉ trong tháng 10 năm nay, Mặt trận Giải phóng Baloch (BLF) đã tiến hành 11 vụ tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang Pakistan, gồm các nhân viên được cử đến bảo vệ các dự án của Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết