30/11/2022 - 09:02

Chấm dứt “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh - Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo AP, Guardian)

Theo Thủ tướng Anh Rishi Sunak, cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong ngoại giao giữa nước này và Trung Quốc đã kết thúc, cũng như “ý tưởng ngây thơ” cho rằng có thể sử dụng thương mại như đòn bẩy để thay đổi quan điểm cốt lõi của Bắc Kinh về chính trị - xã hội.

Ảnh: Getty Images

Trong bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên, Thủ tướng Sunak (ảnh) nói rằng “chủ nghĩa độc đoán” của Trung Quốc đặt ra thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của Anh. Thách thức ngày càng trở nên gay góc hơn khi Bắc Kinh đang sử dụng tất cả đòn bẩy quyền lực nhà nước trong cuộc “cạnh tranh có chủ ý” để giành ảnh hưởng toàn cầu.

Giữa bối cảnh này, Thủ tướng Sunak cho biết đã qua rồi cái gọi là “thời đại hoàng kim” trong quan hệ với Bắc Kinh và Anh cần xây dựng “quan điểm dài hạn hơn”. Song, ông loại trừ “chủ nghĩa ngắn hạn hoặc suy nghĩ viển vông” theo luận điệu đơn giản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thay vì những câu từ sáo rỗng, chính trị gia 42 tuổi tin tưởng đất nước sẽ đứng vững trước các đối thủ cạnh tranh toàn cầu như Trung Quốc, dựa trên hành động thiết thực của chủ nghĩa thực dụng. Trong đó, một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay là tăng cường quan hệ thương mại và an ninh với các đồng minh có cùng chí hướng như Mỹ, Canada, Úc và
Nhật Bản.

Song song với những điều chỉnh cách tiếp cận đối với Trung Quốc, Thủ tướng Sunak thừa nhận không thể phớt lờ tầm quan trọng của Bắc Kinh trong những vấn đề của thế giới, từ ổn định kinh tế đến biến đổi khí hậu. Do đó, Anh một mặt vẫn sẽ lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng hợp tác với Bắc Kinh là bắt buộc. Ông cũng tin tưởng các đồng minh khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác trên thế giới hiểu rõ
điều này.

Tuyên bố của Thủ tướng Sunak được đưa ra giữa lúc ngoại giao Anh - Trung có dấu hiệu leo thang căng thẳng, sau vụ một phóng viên của Ðài BBC bị hành hung và giam giữ trong vài giờ khi đưa tin về phản ứng của người dân thành phố Thượng Hải đối với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt COVID-19. Tuy nhiên, giới phân tích lại nhận ra trong đó tín hiệu về sự tan băng quan hệ song phương.

Cụ thể, ngôn ngữ của Thủ tướng Anh trong bài phát biểu mới nhất có phần phù hợp với báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mà Mỹ công bố vào tháng trước về “thách thức mang tính hệ thống” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Sunak đã loại trừ cụm từ “mối đe dọa” bản thân từng sử dụng khi nói về Bắc Kinh và điều này được cho có ý muốn “xoa dịu” cường quốc châu Á.

Diễn biến trên có thể không làm hài lòng một bộ phận các nhà lập pháp phe Bảo thủ và có nguy cơ làm trầm trọng thêm rạn nứt trong đảng cầm quyền. Hiện tại, Thủ tướng Sunak đang đối mặt chỉ trích nội bộ khi có ý kiến cho rằng ông không đủ cứng rắn với Trung Quốc bằng người tiền nhiệm Liz Truss, hoặc như đã từng cam kết khi tranh cử. Khi đó, ông Sunak xác định Trung Quốc là “mối đe dọa” lâu dài lớn nhất đối với Anh cũng như nền kinh tế và an ninh toàn cầu. Nhưng với những gì đang diễn ra, giới quan sát không chắc khả năng Thủ tướng Sunak sẽ thực hiện kế hoạch mà những lãnh đạo đảng Bảo thủ trước đây đã cam kết. Ðó là cập nhật báo cáo chiến lược mới, chính thức coi Trung Quốc như một “mối đe dọa” thay vì “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống”.

Chia sẻ bài viết