13/05/2011 - 08:38

Chậm chân, thất thế

Hôm qua, đoàn đại biểu cấp ngoại trưởng 8 nước thành viên Hội đồng Bắc Cực gồm Nga, Na Uy, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Mỹ cùng đại diện các nhóm dân tộc bản địa đã nhóm họp tại Nuuk, thủ phủ của vùng tự trị Greenland thuộc quyền quản lý của Đan Mạch. Hãng tin Anh Reuters cho biết cuộc họp này bàn về tương lai hợp tác giữa các nước quanh Bắc Cực liên quan đến các vấn đề tan chảy băng tuyết do biến đổi khí hậu, khai thác dầu khí, khoáng sản, đánh bắt hải sản và xây dựng tuyến đường hàng hải thương mại ở vùng cực bắc của thế giới.

Trước mắt, cuộc họp dự kiến sẽ thông qua quyết định ký kết thỏa thuận chính thức đầu tiên của khu vực về việc phân chia vùng trách nhiệm tìm kiếm và cứu nạn đối với từng nước, thảo luận những nguyên tắc mời các đoàn đại biểu quan sát viên từ các cường quốc ngoài Hội đồng Bắc Cực như Trung Quốc tham gia, đồng thời có thể xem xét các biện pháp mới thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí cũng như khả năng thiết lập một ban thư ký thường trực giúp tăng cường vai trò quản lý của Hội đồng Bắc Cực được thành lập năm 1996.

Chính vì tầm quan trọng của cuộc họp mà Mỹ - nước có bang Alaska nằm giáp với Bắc Cực, lần đầu tiên cử phái đoàn ngoại giao cấp cao nhất do bà Hillary Clinton đứng đầu tham dự. Sự tham gia của Washington vào các chương trình nghị sự của hội đồng này lâu nay bị hạn chế bởi thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trong khi đó, các nước như Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy lần lượt tuyên bố chủ quyền của họ ở Bắc Cực. Vì vậy, theo Heather Conley, chuyên gia Bắc Cực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, nước này cần ngồi vào bàn đàm phán khi mà Washington “đang ở thế bất lợi về quân sự và kinh tế” tại khu vực ước tính chiếm đến 25% trữ lượng dầu khí thiên nhiên toàn cầu này.

Chính quyền Barack Obama vừa cam kết sẽ vận động thượng viện Mỹ phê chuẩn công ước quốc tế về biển. Có điều nước Mỹ đang bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống 2012, thời điểm mà giới quan sát chính trị cho rằng thường đẩy các thỏa thuận quốc tế lùi về phía sau. Xem ra đó vẫn còn là một cánh cửa hẹp cản người Mỹ bước vào cuộc chơi mà họ đã có phần chậm chân.

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết