31/05/2020 - 14:25

Cha mẹ làm thế nào khi trẻ kén ăn? 

Ăn uống là một trong số ít vấn đề trẻ nhỏ tỏ rõ thái độ trốn tránh, từ chối thậm chí phản kháng người lớn. Nếu phụ huynh tìm mọi cách thúc ép hoặc dọa nạt, các chuyên gia cho biết điều này chỉ khiến chứng kén ăn của bé tồi tệ hơn mà thôi.

Bữa ăn gia đình giúp cải thiện tình trạng trẻ kén ăn. Ảnh: Unsplash

 

Phát hiện trên được ghi nhận sau nghiên cứu của Tiến sĩ Megan Pesch tại Bệnh viện Nhi C.S Mott thuộc Đại học Michigan (Mỹ) đối với hơn 300 cặp cha mẹ và con cái. Trong đó, người lớn được yêu cầu mô tả mức độ kén ăn khi con họ lên 4, 5, 8 và 9 tuổi, đồng thời nêu ra cách xử lý. Dựa vào thông tin đó, nhóm nghiên cứu chia các bé thành 3 nhóm theo cấp độ ít, trung bình và rất kén ăn. Khoảng 15% số trẻ tham gia thuộc nhóm rất kén ăn với biểu hiện lười hoặc ghét ăn rau và sợ thực phẩm mới.

Trong 5 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Pesch nhận thấy tình trạng “kén ăn nghiêm trọng” có liên quan đến việc cha mẹ thường thúc ép hoặc không cho con ăn theo nhu cầu và tín hiệu đói. Mức độ này thấp hơn ở những em không bị thúc ép hoặc chịu áp lực trong bữa ăn. Nhóm nghiên cứu lưu ý họ không ghi nhận khác biệt giữa các bé khi xét đến kinh tế-xã hội và nhân khẩu học. Song, họ phát hiện tỷ lệ kén ăn cao xuất hiện ở nhóm có vấn đề về cảm xúc, tâm trạng thay đổi quá mức theo hướng tiêu cực.

Theo Phó giáo sư tâm thần học Nancy Zucker, những trẻ kén ăn thường có rất nhiều ký ức tiêu cực về thực phẩm, chẳng hạn như mùi vị khó chịu hoặc những lần giận dữ của bố mẹ trong bữa ăn. Về phần người lớn, khảo sát do Abbott thực hiện năm 2019 cho thấy thời gian trẻ ăn xong một bữa bị kéo dài, cảm giác bất lực, thất vọng đan xen lo lắng con thiếu dinh dưỡng là một trong những lý do khiến cha mẹ căng thẳng.

Giải pháp cho cha mẹ và con

Tiến sĩ Pesch cho biết tình trạng kén ăn được ghi nhận rõ ràng khi trẻ lên 4 tuổi và không hề giảm đi trong suốt 5 năm nghiên cứu. Vì vậy, sớm nhận biết dấu hiệu trẻ kén chọn thực phẩm là điều cần thiết để can thiệp kịp thời, tránh để lâu hình thành nên thói quen khó thay đổi.

Tốt nhất nên cho trẻ thử thực phẩm mới vào thời điểm bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng và tiếp tục để bé làm quen với thực phẩm đa dạng từ giai đoạn biết đi. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em cần tới 12 lần tiếp xúc (nhìn, ngửi, nếm thử) trước khi chúng “thích” một loại thực phẩm. Vì vậy, cha mẹ có thể cân nhắc cho con làm quen với thức ăn nhiều lần nhưng không thúc ép để bé không bị áp lực.

Hầu hết trẻ nhỏ giai đoạn tập đi đều thích bắt chước hành vi ăn uống của cha mẹ, anh chị em và bạn cùng trang lứa. Vì vậy, gia đình và người xung quanh ăn uống lành mạnh chính là tấm gương giúp trẻ xây dựng sở thích và thói quen ăn uống hợp lý.  Cùng con đi siêu thị, cửa hàng chọn lựa thực phẩm hoặc vào bếp chuẩn bị bữa ăn cũng là cách thúc đẩy hành vi ăn uống tốt.

Nguyên tắc nhỏ nữa là không nên kéo dài bữa ăn quá 30 phút. Theo bác sĩ Michelle Tan thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, chỉ số calorie đốt cháy do thời gian ăn kéo dài có thể nhiều hơn lượng calorie trẻ dung nạp trong bữa ăn. Về lâu dài, điều này có thể cản trở sự tăng trưởng của bé.

Mặt khác, cha mẹ nên chú ý giữ khoảng cách 3 bữa ăn chính với một hoặc hai bữa ăn nhẹ trong 2-3 giờ mỗi ngày để tránh bé quá đói hoặc quá no. Đặc biệt đừng ép con ăn và không quên khen ngợi khi bé có hành vi cải thiện tích cực. Lời khuyên nữa là không đặt thiết bị điện tử hoặc đồ chơi trước mặt con khi ăn, mà cha mẹ nên trò chuyện, tạo mối quan hệ gắn kết cho cả gia đình.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
trẻ kén ăn