27/11/2019 - 10:33

Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua trở ngại tâm lý? 

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), ăn uống vô độ hoặc chán ăn do tâm lý, rối loạn tâm thần (ảo giác hoặc ảo tưởng) và có ý định tự tử. Do đó, phụ huynh cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tinh thần của con em mình.

Cha mẹ gần gũi chuyện trò giúp con cởi mở và sẵn sàng chia sẻ những âu lo gặp phải.

Những dấu hiệu cảnh báo. Có nhiều dấu hiệu và tín hiệu khác nhau cho thấy trẻ đang đối mặt với các vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như bỗng dưng thu mình lại và xa lánh mọi người, thường xuyên thay đổi cảm xúc, sợ sệt không rõ nguyên do, có hành vi hung hăng, học hành sa sút đột ngột, thiếu tập trung, tự làm tổn hại bản thân…

Tạo dựng mối quan hệ gần gũi. Giao tiếp hiệu quả với con là điều cần thiết để trẻ mở lòng với cha mẹ. Theo đó, bạn cần duy trì cách tiếp cận thân thiện với con nhưng không vượt qua giới hạn. Mỗi ngày, dù bận rộn cỡ nào cũng nên dành một khoảng thời gian để trò chuyện thân mật với con, cùng con tham gia một số hoạt động mà cả hai yêu thích. Cởi mở trong giao tiếp sẽ giúp trẻ sẵn sàng chia sẻ những vấn đề nan giải với cha mẹ.

Lắng nghe điều con muốn nói. Làm cha mẹ không đơn giản chỉ là bảo con nên làm cái gì, mà lắng nghe và thấu hiểu những gì con muốn nói cũng rất quan trọng. Nếu trẻ đang đối mặt với một số rắc rối ở trường học hoặc ngoài xã hội, trò chuyện với con sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân. Hỏi thăm về những gì diễn ra ở trường sau khi đi học về còn là cách để phụ huynh nắm bắt tâm lý, cảm xúc của con em mình.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thường xuyên theo dõi hoạt động của trẻ trên mạng xã hội để đảm bảo rằng trẻ tiếp xúc với những nội dung phù hợp với độ tuổi của mình trên Internet.

Tránh tạo môi trường tiêu cực tại nhà. Trẻ em và thanh thiếu niên vốn rất nhạy cảm, nên người lớn cần hạn chế phơi bày những rắc rối trong gia đình cũng như các cuộc cãi vã của cha mẹ trước mặt trẻ. Việc lôi kéo con cái vào những vấn đề của người lớn chỉ khiến trẻ thêm căng thẳng và lo lắng, dẫn đến sự chán nản.

Dạy con thói quen lành mạnh. Thiếu hụt một số dưỡng chất và ngủ không đủ giấc có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở con cái. Vì vậy, điều bạn cần làm là tập cho con thói quen tập luyện, ăn uống lành mạnh và duy trì giờ giấc đi ngủ ổn định mỗi tối. Ví dụ, cho con tham gia việc mua thực phẩm và nấu ăn của gia đình có thể khiến chúng thích ăn các món nấu tại nhà hơn thức ăn hàng quán.

Giúp con xây dựng lòng tự trọng. Lòng tự trọng mạnh mẽ được xem là “vũ khí’ tốt nhất giúp trẻ chống lại các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay cảm giác bất an. Chẳng hạn, việc không đạt được thành tích cao như bạn bè có thể tổn thương đến lòng tự trọng, nhưng nhờ có lòng tự trọng và tin vào bản thân, con bạn sẽ giảm bớt những áp lực vốn gây căng thẳng tinh thần.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ là khen ngợi những việc trẻ làm được, kể cả những thành tích nhỏ. Đừng quên đóng góp ý kiến mang tính chất xây dựng nhưng không quá khắc nghiệt dành cho con mỗi khi con mắc sai lầm.

TRÍ VĂN (Theo The Health Site)

Chia sẻ bài viết