08/01/2023 - 09:08

Câu chuyện Táo Quân 

Huỳnh Hà

Táo quân (còn được gọi là Ông Táo, Thần Bếp) là vị gia thần được thờ phổ biến ở hầu hết gia đình người Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian tin rằng đây là vị thần có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn củi lửa và ghi chép công tội của gia chủ để cuối năm trình báo với Ngọc Hoàng. Trong những ngày cuối năm Nhâm Dần, xin kể những sự tích Táo Quân được lưu truyền trong dân gian và ý nghĩa sự tích Ông Táo của nước ta.

Sắm lễ chuẩn bị đưa Ông Táo về trời. Ảnh: DUY KHÔI

Sự tích Táo Quân ở Việt Nam hiện nay có nhiều bản kể khác nhau, nhưng trên đại thể thì nội dung cốt truyện có sự tương đồng. Sau đây là một câu chuyện tiêu biểu:

Ngày xưa có hai vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi. Hai người lấy nhau đã lâu mà không có con. Thị Nhi rất yêu chồng, nhưng vì tính tình của chồng ngày một bạo ngược nên một hôm, chồng gây gổ, nàng bèn bỏ đi. Ðến một xứ khác, Thị Nhi lấy chồng tên Phạm Lang, cuộc sống lần này rất đằm thắm, hai vợ chồng chăm lo làm ruộng. Lại nói chuyện Trọng Cao từ khi vợ bỏ đi thì hối hận, cũng bỏ nhà đi tìm vợ. Chàng cứ lần mò đi mãi, đến đâu xin ăn đó. Một hôm tình cờ đến gõ cửa nhà Phạm Lang. Lúc đó Phạm Lang đi vắng, chỉ có Thị Nhi ở nhà. Thị Nhi vừa nhìn mặt biết là chồng cũ, nhưng Trọng Cao thì trái lại không nhận ra vợ của mình. Ðói khát lâu ngày không ngờ lại được Thị Nhi đãi cơm rượu, Trọng Cao ăn uống xong, say quá nằm lăn ra ngủ. Thị Nhi bèn vực Trọng Cao vào đống rơm ở góc vườn rồi phủ rơm lại cho ngủ yên. Chiều hôm ấy, Phạm Lang trở về. Trước khi đi ngủ, chàng đốt đống rạ ở góc vườn để ngày mai bón ruộng. Ngọn lửa gieo vào nơi có Trọng Cao đang ngủ say. Ðến chừng Thị Nhi biết thì Trọng Cao đã bị chết cháy. Thương chồng hóa ra giết chồng, nàng đau đớn quá, bèn nhảy ngay vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt. Phạm Lang thương vợ, cuối cùng thất chí cũng gieo mình chết luôn bên cạnh Thị Nhi. Ngọc Hoàng thấy tình yêu của ba người bèn cho làm Thần Bếp cử đi trông nom việc thổi nấu ăn uống cho nhân gian, luôn thể xem xét từng gia đình trong một năm có những hành động tốt xấu thế nào để đến ngày 23 tháng Chạp sẽ lên báo cáo cho mình biết(1).

Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có tục thờ Táo Quân và truyện kể về nguồn gốc ông Táo, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Theo thống kê, ở Trung Quốc có khoảng 40 câu chuyện kể về nguồn gốc Táo Quân, với nhiều nhân vật được cho là Táo Quân khác nhau. Trong số đó, câu chuyện Trương Táo vương tương đối rõ ràng về nhân vật và sự kiện. Truyện kể về Trương Lang đi buôn giàu sang trở về phụ bạc vợ là Ðinh Hương. Sau không may nhà cháy, mắt lại bị lòa, Trương Lang đành phải đi ăn xin, gặp lại Ðinh Hương lúc này đã có gia đình mới. Khi nhận ra người xưa, thì Trương Lang chết vì hổ thẹn(2).

Hiện nay, tập tục cúng Táo Quân ở Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về thời gian cúng - cúng vào dịp cuối năm để đưa ông Táo về trời; vật phẩm cúng gồm bánh kẹo, trái cây, trà nước... nói chung cúng thức ăn ngọt để mong Ông “Thượng thiên ngôn hảo sự / Hạ giới bảo bình an” tức là “Lên trời tâu việc tốt / Xuống phàm hộ bình an”... Tuy nhiên, về câu chuyện thì Táo Quân của Việt Nam và Trung Quốc có ít nhiều khác biệt. Về nội dung, truyện dân gian của ta nhiều tình tiết kỳ thú, sinh động, nhân văn và cũng đời thường(3).

Ngoài ra, câu chuyện Táo Quân của Việt Nam còn nhằm lý giải về nguồn gốc của cái bếp lò. Từ xa xưa người Việt đã dùng ba cục đá đều nhau đặt không thẳng hàng trên mặt đất làm trụ đỡ để đặt vật dụng nấu ăn trên đó. “Nó vừa huyền hoặc mang dư vị, âm hưởng về sự gắn kết Tam tài: Thiên - Ðịa - Nhân, vừa hiện hữu phản ánh cấu trúc hình học: qua ba điểm sẽ tạo thành một mặt phẳng. Ba ông Ðầu rau giúp cho chiếc nồi nấu trên bếp luôn ổn định vững chắc, không dễ làm cho nồi thức ăn bị đổ vì món ăn của gia đình đã phải rất khó khăn mới kiếm được trong cuộc sống. Quanh bếp lửa hồng, mọi người, các thế hệ con cháu trong gia đình cùng sưởi ấm, chia nhau miếng ăn ấm nóng, thành quả của sự lao động nhọc nhằn, vất vả; chia sẻ cùng nhau những câu chuyện về cuộc sống của ngày hôm qua, hôm nay và ngay mai...”(4).                                                                       

---------------------

(1) Nguyễn Ðổng Chi (2004), “Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tập 1”, NXB Khoa học Xã hội, tr.103-105.

(2) Ðinh Hồng Hải (2015), “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 2, Các vị thần”, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.75-76

(3) Kiều Thu Hoạch (2014), “Văn hóa dân gian người Việt góc nhìn so sánh”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.200.

(4) Dương Văn Sáu (2022), “Giải mã văn hóa Việt”, NXB Khoa học Xã hội, tr.65-66.

Chia sẻ bài viết