|
Một số người Tây Ban Nha được chọn đi bỏ phiếu đòi độc lập cho Catalan.
Ảnh: Reuters |
Trong khi các hoạt động giành “quyền tự quyết dân tộc” đầy bạo lực tại xứ Basque tạm thời lắng dịu, chính quyền Tây Ban Nha lại bắt đầu đối mặt với cuộc chiến đòi ly khai tại vùng Catalan, khu vực giàu có đóng góp tới 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế nước này.
Kết quả cuộc “trưng cầu dân ý” do các tổ chức dân sự tiến hành ngày 13-12 cho thấy có khoảng 94% “cử tri” Catalan tán thành câu hỏi: “Bạn có đồng ý Catalan trở thành một quốc gia độc lập và là thành viên của Liên minh châu Âu hay không?”. Điều hết sức lạ lùng là các nhà tổ chức “mời”, nói đúng hơn là lựa chọn, được chỉ 700.000 người gọi là “cử tri”, trong đó có cả những trẻ vị thành niên ở tuổi 16 và dân nhập cư, từ 170 thị trấn và làng xã của vùng Catalan, vốn có hơn 7 triệu dân. Và chỉ khoảng 30% số người được chọn ấy tham gia cuộc bỏ phiếu. Khu vực thủ phủ và trung tâm quyền lực của xứ Catalan là Barcelona không tổ chức “trưng cầu dân ý”, nhưng những người ôm mộng ly khai ở xứ này tuyên bố sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu vào năm sau.
Cuộc “trưng cầu dân ý” lạ lùng nói trên diễn ra vào điểm Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha chuẩn bị đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của quy chế tự trị cho xứ Catalan vào tuần tới. Quy chế này đã được Quốc hội Tây Ban Nha thông qua năm 2006. Theo đó, chính quyền Catalan được tăng thêm quyền quản lý thuế, sử dụng ngôn ngữ Catalan bắt buộc, có hệ thống giáo dục và tư pháp riêng, đặc biệt là hưởng quy chế có biểu tượng, ngôn ngữ, quốc ca, quốc khánh và cờ tổ quốc riêng. Người ta ví von với quy chế tự trị này, Catalan chẳng khác gì một quốc gia độc lập nhưng chưa tuyên bố. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của cuộc “trưng cầu dân ý” này là nhằm gây sức ép với Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha.
Về nguyên tắc, chính phủ Tây Ban Nha cho rằng mọi cuộc trưng cầu dân ý chính thức sau này về quyền độc lập của các vùng tự trị nếu không được phép của chính quyền trung ương sẽ là bất hợp pháp và không được công nhận. Tuy nhiên, động thái của các nhà tổ chức “trưng cầu dân ý” vừa qua tại Catalan không khỏi khiến chính quyền Tây Ban Nha lo ngại. Lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có chung tâm trạng như Madrid. Một số đảng chính trị đấu tranh đòi ly khai từ Cộng hòa Ireland, Ý, Pháp, Bỉ và cả Canada đã cử đại diện đến Catalan giám sát, điều này ngầm hiểu rằng họ ủng nền độc lập của Catalan và của chính mình, cho thấy “kịch bản Kosovo” có nguy cơ tái diễn ở Tây Ban Nha và bất cứ nơi nào trên thế giới.
PHÚC GIA AN
(Theo AFP, AP, Reuters, Le Monde)