04/05/2013 - 20:31

Cắt giảm ngân sách “cản đường” Mỹ “xoay trục” châu Á

Tàu quân sự Mỹ-Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung “Đại bàng Non” vừa kết thúc cuối tháng 4. Ảnh: AP

Việc ngân sách Lầu Năm Góc bị cắt giảm mạnh trong năm tài chính 2013 đang bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á, đặc biệt làm gia tăng mối quan ngại về vấn đề an ninh khu vực trong các nước đồng minh có hiệp ước với Mỹ tại thời điểm căng thẳng từ cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và hoạt động mở rộng quân sự của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Hồi năm ngoái, Washington không ngừng mở rộng quan hệ quân sự lẫn phi quân sự với một số nước châu Á, đồng thời công bố một “sự thay đổi đáng kể và lịch sử”- triển khai 60% hạm đội Hải quân tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2020. Theo một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, châu Á sẽ tiếp tục là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Washington so với một số khu vực khác trên thế giới. Do vậy, những chính sách trọng tâm trong chiến lược “xoay trục” châu Á của Mỹ vốn được các quốc gia đồng minh ủng hộ vẫn được duy trì ngay cả khi cắt giảm ngân sách là điều không thể tránh khỏi- vị này cho biết.

Mặc dù Washington luôn bảo đảm không để việc cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng đến chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á, nhưng theo một số quan chức quân đội Mỹ thì hoạt động của họ trong khu vực vẫn đang bị tác động, kể cả ở các căn cứ tại Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Theo Không quân Mỹ, lực lượng này đã cho hủy bỏ kế hoạch huấn luyện kéo dài hai tuần tại Alaska hồi tháng 4 vừa qua. Trước đó vào tháng 3, đơn vị Airlift Wing số 374 (374 AW) tại căn cứ Không quân ở Yokota (Nhật) đã buộc phải hủy bỏ tham gia tập trận phòng không thường niên mang tên Cope Tiger tại Thái Lan. Các chương trình bay, hoạt động bảo dưỡng khác cũng bị giảm tải. Ngoài ra, một số kế hoạch tiếp cận cộng đồng trên khắp Nhật Bản mặc dù được xem là cần thiết để “hạ nhiệt” thái độ chống Mỹ ở nước này cũng đều bị hủy bỏ.

Song, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, bao gồm cả Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Tokyo hôm 15-4 đã nhiều lần tìm cách xoa dịu những lo ngại khả năng vấn đề ngân sách sẽ làm suy yếu các cam kết của Mỹ ở châu Á. “Việc hạn chế ngân sách có thể thay đổi tốc độ và phạm vi một số hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nó sẽ không thay đổi các ưu tiên của Mỹ đối với khu vực”- phát ngôn viên Lầu Năm Góc Trung tá Cathy Wilkinson khẳng định. Dẫu vậy, Nhật báo Phố Wall cho rằng đồng minh của Mỹ trong khu vực dường như vẫn không hoàn toàn bị thuyết phục.

Theo một số nhà chiến lược quân sự, bất kỳ mối quan ngại nào về sức mạnh quân sự của Mỹ trước trách nhiệm bảo vệ các nước đồng minh ở châu Á có thể “tạo động lực” để những quốc gia trong khu vực hoặc là tự xây dựng thực lực quân đội vững chắc cho riêng mình hoặc sẽ  tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Quốc để đảm bảo lợi ích tốt nhất.

Thành viên Quốc hội Nhật Bản Shinichi Isa cho biết, ông lo ngại rằng việc Mỹ phải trì hoãn một số kế hoạch trong chiến lược chuyển nguồn lực quân sự-kinh tế sang châu Á là điều không thể tránh khỏi. Phát biểu trong một phiên họp quốc hội gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định “Tokyo cần phải tận dụng hết khả năng của mình để xây dựng một đất nước mạnh mẽ hơn”. Không riêng Nhật Bản, giới lãnh đạo và chuyên gia phân tích tại Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có đồng quan điểm lo ngại như trên. Do đó, nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách hiện tại đang tỏ ra “bất an” bởi những hoạt động tăng cường xây dựng vũ khí ngày càng sâu rộng của một số quốc gia có thể đẩy châu Á tiến gần hơn tới tình trạng “hạt nhân hóa” khu vực.

VI VI (Theo WSJ)

 

Tàu quân sự Mỹ-Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung “Đại bàng Non” vừa kết thúc cuối tháng 4. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết